Việt Nam có “hồ sơ không tỳ vết” về trả nợ ODA
Theo ông Van Trotsenburg, WB luôn thực hiện các đánh giá độc lập về mức độ thành công của dự án. VN có hồ sơ tốt về việc thực thi, với nhiều dự án đạt mức thỏa đáng hoặc rất thỏa đáng.
Phó Chủ tịch WB - ông Axel van Trotsenburg - đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 6-9.5. Trao đổi với phóng viên tại Hà Nội chiều 8.5, ông đánh giá cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA tại Việt Nam, với minh chứng là Việt Nam đã đạt kết quả giảm nghèo ấn tượng nhất thế giới.
Theo ông Van Trotsenburg, WB luôn thực hiện các đánh giá độc lập về mức độ thành công của dự án. VN có hồ sơ tốt về việc thực thi, với nhiều dự án đạt mức thỏa đáng hoặc rất thỏa đáng. Vấn đề đặt ra là làm sao để WB hỗ trợ tổng thể quá trình phát triển của VN. Nếu lấy giảm nghèo làm mục tiêu chính, trong 20 năm qua, VN đã đạt thành tựu giảm nghèo cùng cực là gần 50%. Đây là kết quả giảm nghèo ấn tượng so với bất cứ nước nào trên thế giới.
Saigon Times: Nhận xét của ông về nghĩa vụ trả nợ của VN hằng năm cho WB?
- Mức trả nợ của Việt Nam đối với WB luôn đảm bảo và chưa bao giờ có vấn đề. VN đã có một hồ sơ không tỳ vết trong việc trả nợ. Tính đến năm 2012, nguồn vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB cấp cho VN là khoảng 8 tỉ USD, với mức trả nợ là 120 triệu USD trong năm đó. VN luôn nghiêm túc trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho WB. WB hiện có 55 dự án đang được thực hiện tại Việt Nam và đã giải ngân năm 2012 được trên 850 triệu USD. WB hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong năm 2013.
(Lao Động) Nợ công của Việt Nam hiện được cho là ở mức 55%, gây ra một số cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế trong nước. WB đánh giá như thế nào về rủi ro của Việt Nam trong bối cảnh cơn bão nợ công đang hoành hành trên thế giới?
- Giám đốc Quốc gia WB Victoria Kwakwa: WB đã hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cơ quan khác nhau của chính phủ để phân tích mức bền vững nợ công của Việt Nam. Bản phân tích này cho thấy mức nợ của Việt Nam vẫn ở mức bền vững. Dựa trên những dữ liệu trong đó, chưa thấy có rủi ro là Việt Nam rơi vào tình trạng báo động nợ.
Tuy nhiên, có những nghĩa vụ nợ tiềm ẩn ở các doanh nghiệp nhà nước. Đây là một nguồn rủi ro chính. Có những khoản nợ chính phủ bảo lãnh. Nếu những khoản nợ này trở thành hiện thực thì nó sẽ trở thành nghĩa vụ nợ của khu vực công hay của chính phủ. Nếu như vậy, nó sẽ làm tăng thêm mức nghĩa vụ nợ của chính phủ. Việt Nam cần có chiến lược quản lý nó tốt hơn.
(Lao Động) Một trong những mục tiêu trong chuyến thăm của ông là bàn thảo về quá trình chuyển đổi của VN sang vay tín dụng ít ưu đãi hơn từ WB. Ông có thể cung cấp thêm thông tin?
- Phó Chủ tịch WB - ông Axel van Trotsenburg: Ở giai đoạn hiện nay, VN đang nhận được nguồn lực từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc WB (IDA) với khung ưu đãi cao, với các khoản tín dụng có thời hạn 25 năm, 5 năm ân hạn và lãi suất 1,25%. Trong vòng thương lượng gần đây, WB huy động được 50 tỉ USD cho IDA và trên 4 tỉ USD trong số này được dành cho VN. Vòng thương lượng mới (IDA 17) đã bắt đầu vào tháng 3.2013, với kết quả sẽ được công bố vào tháng 12. WB kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi IDA.
Trong thời gian chờ đợi này, Việt Nam đã rất thành công trong tăng trưởng cũng như tăng GDP bình quân đầu người, nên có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Quốc tế về tái thiết và phát triển (IBRD), hoặc những khoản tín dụng thị trường, nhưng có lãi suất rất cạnh tranh. Việc VN có thể tiếp cận các nguồn lực đó chính là sự công nhận hiệu quả hoạt động kinh tế của Việt Nam. Điều quan trọng hơn là nó thể hiện mức tín nhiệm tín dụng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực.