MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nguy cơ tụt hậu trong ASEAN

Đó là quan ngại của các chuyên gia kinh tế khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới tại tọa đàm “Hội nhập quốc tế - Một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”. Tọa đàm do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức sáng 6/2.

Các nhà kinh tế đưa ra nhận định mở cửa hội nhập càng sâu rộng thì kỳ vọng phát triển tích cực đến nền kinh tế Việt Nam càng nhiều. “Ví dụ rõ nét nhất là trường hợp tham gia TPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và GDP tăng thêm 36 tỉ USD vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia” - TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia và các nhà quản lý kinh tế lo ngại hơn chính là việc thiếu chủ động hội nhập của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, Bộ phận Thường trực APEC 2017 (Bộ Ngoại giao), giải thích hiện nay có khoảng 70% DN không hiểu gì về ASEAN, 94% không hiểu nội dung hoạt động trong khối, 63% không nắm rõ cơ hội phát triển.

Bà Nga cho rằng còn kéo dài tình trạng thụ động hội nhập thì trong thời gian tới Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ tụt hậu sâu. Bởi vì bản chất thời gian qua Việt Nam đã bị tụt hậu rồi. “Khoảng cách về sự phát triển giữa Việt Nam với ASEAN-6 ngày càng tăng, trong khi đối với ASEAN-4 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) thì Việt Nam cũng xếp ở hạng thấp sau cả Lào và Campuchia. Hiện nay Việt Nam đang ở tình trạng nhìn lên các nước xung quanh cao hơn mình, nhìn xuống mình cũng không bằng họ” - bà Nga nói.

Theo bà Nga, những thách thức lớn hiện nay như lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ trọng lớn, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu về năng lực, thiếu đội ngũ luật sư giỏi để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các DN cần phải được giải quyết. Cần phải đẩy mạnh đổi mới cách nghĩ, cách làm trong việc tham gia các hoạt động hội nhập, liên kết kinh tế theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đề xuất và đóng góp”.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết hiện nay độ mở của nền kinh tế nước ta đã rất lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 160% GDP. Theo ông Minh, tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào thương mại, vậy nên việc tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ từ đó hạ giá thành sản phẩm tạo thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt là các DN vừa và nhỏ cũng được tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch hơn để phát triển.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tiến trình hội nhập của Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới nhưng có nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Do đó trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế. “Làm được điều này đòi hỏi Chính phủ và DN không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Đây là yêu cầu hết sức cấp bách trong năm 2015” - ông Minh nhấn mạnh.

>>>Tiền lương người lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN

Theo Tá Lâm

PV

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Trở lên trên