MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để trở thành Trung tâm công nghiệp của thế giới

Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp và những sản xuất như dệt may, da giày… sẽ là những ngành được hưởng lợi trong chuỗi sản xuất toàn cầu khi TPP có hiệu lực.

Đưa ra quan điểm tại Diễn đàn “Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới.

Theo TS. Thành, các hiệp định tự do thế hệ mới (FTAs) đặc biệt là TPP đã mang lại nhiều cơ hội mới trong đầu tư của nhiều ngành của Việt Nam.

Nhìn vào quá trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, TS. THành chỉ ra ba thay đổi lớn của Việt Nam: trước hết, từ nền kinh tế hoàn toàn dựa vào nông nghiệp đã chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ; từ kinh tế khép kín sang kinh tế hội nhập và mở cửa với nhiều nước; từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào kinh tế Nhà nước sang dựa chủ yếu hơn vào doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

Đặt trong bối cảnh các nước trên thế giới đang thiết lập những luật chơi và sân chơi mới, khiến cho vai trò của Nhà nước thu hẹp dần và đặt ra những yêu cầu mới đặt ra trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, thế giới sẽ vẫn bị chi phối bởi hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia và các định hướng phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động của luật chơi mới này.

Câu hỏi đặt ra: Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để có thể trở thành trung tâm công nghiệp lớn của thế giới, hình thành nên một cứ điểm trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu từ các tập đoàn đa quốc gia?

Theo TS. Võ Trí Thành, với hiệp định thương mại TPP, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa sẽ giúp cho các ngành điển hình về mạng sản xuất và giá trị toàn cầu như dệt may, da giày… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

“Điều này tạo sự dịch chuyển và cơ hội chưa từng có để cải tổ ngành công nghiệp Việt Nam” – TS. Võ Trí Thành nhận định.

Lý giải về điều này, TS. Thành cho rằng cùng với TPP, việc tham gia FTA với EU sẽ tạo ra hai hiệp định cao nhất về chất lượng. Đây là hai hiệp định có ý nghĩa lớn để phát triển mạng lưới, gắn với đó là công nghệ, tiêu chuẩn giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển là trung tâm công nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Thành lại bày tỏ lo ngại: “Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội theo nghĩa hiện đại hóa khi mà doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được? Bởi trước khi doanh nghiệp lớn lên được thì đã có xu hướng cá thể hoá, li ti hoá”.

Khi đã giải quyết được bài toán này, thì với việc tham gia các FTA thế hệ mới, gần như tất cả các đối tác thương mại và các nhà đầu tư chủ chốt đều tham gia, đã mở ra nhiều cơ hội. Dẫn chứng là kể từ năm 2013 nhiều tỷ USD đã được đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các ngành điện tử, dệt may… bước đầu hình thành nên mạng lưới sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mới:

Theo đó, các ngành sẽ có hiều cơ hội mới cho đầu tư được TS. Thành chỉ ra bao gồm:

- Xuất khẩu các ngành có lợi thế so sánh như dệt may, da giày, nội thất, gạo, cà phê, thủy sản…

- Hàng hóa tiêu dùng như phân phối, dược phẩm, du lịch và giải trí

- Cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản

- Logistics

- Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia mạng lưới sản xuất/cụm công nghiệp do các công ty xuyên quốc gia dẫn dắt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ kết nối kinh doanh.

- Sự nổi lên công nghiệp xanh, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử và công nghiệp sáng tạo.

Theo TS. Thành, Việt Nam đang trong thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nên nền tảng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có một lực đẩy mới cho cải cách và hiện thực hóa các tiềm năng của người dân, cải cách thể chế và thúc đẩy đổi mới….

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên