MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào

Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Thông tin này được đưa ra tại buổi Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ - Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ - Lào lần thứ 2 ở Quy Nhơn ngày 02/11 do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV và tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức.

Theo thông tin tại buổi tọa đàm, tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng…

Tổng số FDI giải ngân lũy kế của các dự án Việt Nam đến nay đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tương ứng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam tại Lào, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động của Lào.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tập trung lớn tại khu vực Trung Nam Lào. Tính đến hết tháng 9/2014, số dự án đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Nam Lào là 199 dự án, chiếm khoảng 49% tổng số dự án đầu tư vào Lào; tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng số FDI đăng kí của Việt Nam tại Lào.

Tính từ sau tọa đàm xúc tiến đầu tư vào khu vực Trung Nam Lào lần thứ nhất tại Chawmpasak năm 2012, đã có 36 dự án mới với tổng số vốn đầu tư là 1,53 tỷ USD được Chính phủ Lào cấp phép, gấp 1,5 lần so với năm 2012.

Nhiều dự án quy mô lớn đang được các doanh nghiệp Việt Nam tích cực triển khai như: lĩnh vực khai khoáng (Dự án muối mỏ Kali tại Khăm muộn với tổng đầu tư gần 500 triệu USD); lĩnh vực năng lượng, thuỷ điện (điện (Có 4 dự án, tổng số vốn đầu tư là hơn 1,17 tỷ USD, chiếm 24,7% như: Dự án thủy điện Xekaman 1, Thuỷ điện Luangprabang,…); Đầu tư cơ sở hạ tầng (Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khămmuộn, sân bay Attopư, các dự án xây dựng đường giao thông khác), điển hình đi đầu tạo động lực cho doanh nghiệp là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và du lịch mang tính đột phá.

Về hợp tác thương mại, đến hết tháng 9 năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều VN – Lào đạt 995 triệu USD. Riêng khu vực Trung Nam Lào, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 600 triệu USD, (tăng 48.3% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 60% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 190 triệu USD, nhập khẩu từ Lào đạt 410 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2014, kim ngạch hai chiều Việt Nam – Lào đạt 1,4 tỷ USD.

Riêng tình hình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung Nam Lào cũng đạt nhiều kết quả đáng kể. Các d án đu tập trung vào khai thác các thế mạnh của khu vực Trung Nam Lào như: trồng cây công nghiệp (Cao su, cọ), thủy điện, khai khoáng… Các dự án đều thực hiện đúng tiến độ, được Chính phủ Lào, địa phương Lào đánh giá là có hiệu quả, góp phần thay đổi hẳn diện mạo kinh tế của địa phương, cải thiện cơ bản cuộc sống của người dân Lào khu vực đầu tư dự án.

Bên cạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Trung Nam Lào như: chương trình cử chuyên gia hỗ trợ cho các tỉnh Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sekong, hỗ trợ nâng cấp các cửa khẩu Phù Cưa, Đak Blô, Tây Giang – Kà Lừm và các công trình khác như thao trường, bệnh xá, trường mẫu giáo giữa các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum với tỉnh Sekong, Attapue,…


Phương Thảo

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên