Việt Nam ghi điểm nhờ nguồn lao động giá rẻ
Gần đây DN Nhật Bản đang hoạt động sản xuất ở Thái Lan có xu hướng chuyển đến Việt Nam nhưng không phải chuyển phần sử dụng nhiều máy móc thiết bị mà chủ yếu là chuyển bộ phận cần sử dụng nhiều lao động.
Như vậy, các doanh nghiệp này chỉ tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam và sẽ không chuyển giao những công nghệ tiên tiến sau khi đặt nhà máy tại Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đưa tin, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho rằng đang có làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan muốn chuyển sang đầu tư ở các nước lân cận và Việt Nam nằm trong tầm ngắm nên các địa phương cần nắm bắt cơ hội này để thu hút đầu tư.
Giải thích về lý do doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái có xu hướng chuyển đến nước thứ ba trong đó có Việt Nam, ông Yasuzimi cho rằng mức lương công nhân ở Thái Lan cao gấp đôi so với ở Việt Nam nên một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Thái Lan di chuyển phần sản xuất sang các nước Lào, Campuchia, Việt Nam.
Theo khảo sát của JETRO, số nhân lực trình độ cao ở Lào và Campuchia rất ít, không bằng Việt Nam nên JETRO thường tư vấn cho doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan nên chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Yasuzimi lưu ý, do ở Thái Lan nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã có thị trường lớn và Thái Lan có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nên doanh nghiệp Nhật ở Thái Lan chủ yếu chỉ chuyển các công đoạn sản xuất sử dụng nhiều nhân công sang nước khác để giảm chi phí; phần sản xuất vận hành bằng máy móc vẫn giữ lại ở Thái Lan. Như vậy, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn giữ lại ở Thái Lan phần sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Theo ông Yasuzimi, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam là tình trạng thiếu hụt ngành công nghiệp phụ trợ, trong khi Thái Lan đáp ứng tốt hơn.
Với sự bất ổn chính trị đang xảy ra ở Thái Lan, báo giới quốc tế dẫn lời đại diện các hãng xe ô tô rằng rối loạn chính trị đang đe dọa ngành sản xuất ô tô nước này, song ông Yasuzimi nói rằng cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất ô tô ở Thái Lan chuyển đến Việt Nam đầu tư là rất khó, bởi Thái Lan từ lâu đã là trung tâm sản xuất ô tô ở Đông Nam Á, có ngành công nghiệp phụ trợ ô tô rất tốt.
Hơn nữa, thị trường ô tô Việt Nam chưa thể so sánh với Thái Lan vì sản xuất ô tô tại Thái Lan lên đến 2,5 triệu xe/năm trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 100.000 xe/năm thì khó mà có doanh nghiệp ô tô nào rời Thái Lan để chuyển tới Việt Nam.
Ông Yasuzimi cho hay doanh nghiệp Nhật đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Yasuzimi cho biết theo khảo sát của JETRO đối với 19 nước có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều thì khó khăn mà doanh nghiệp Nhật phải đối mặt ở Việt Nam chỉ xếp sau Myanmar.
Cụ thể là các vấn đề liên quan đến thuế, chính sách mập mờ, thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề, kho bãi, thông tin cho nhà đầu tư...
Hồi tháng 12/2013 vừa qua, hãng điện tử Samsung Electronics cũng công bố về việc chuyển các nhà máy của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam sau 12 năm hoạt động tại đây do nhân công Việt Nam hiện rẻ chỉ bằng 1/3 Trung Quốc.
Cụ thể, Samsung vào Trung Quốc năm 1992, hiện có 13 nhà máy sản xuất và 7 phòng nghiên cứu tại đây, theo báo cáo hồi tháng 6 của hãng. Hơn 45.000 lao động tại Trung Quốc tương đương 19% nhân viên Samsung trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc đã khiến lương nhân công tại đây tăng đáng kể. Theo khảo sát năm 2012 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), lương trung bình một tháng của công nhân nhà máy tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là 466 USD, hơn gấp ba lần tại Hà Nội (145 USD).
Lương công nhân ở Thái Lan là 6.704 đô la Mỹ/người/năm còn ở Việt Nam là 2.602 đô la Mỹ/người/năm. Với cấp quản lý, lương ở Thái Lan là 27.204 đô la Mỹ/người/năm trong khi ở Việt Nam là 12.245 đô la Mỹ/người/ năm.
Theo ông Lee Jung Soon, Phòng xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc tại TP.HCM, "Xu hướng các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng lên trong 2-3 năm tới do chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn Việt Nam. Việt Nam đang thực sự đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghệ".