MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới

Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người. Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở ASEAN và thứ 13 trên thế giới.

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chủ trì hội nghị trực tuyến công bố 5 chỉ tiêu quan trọng của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999 (với sai số thuần là 0,3%). Với dân số này, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở ASEAN và thứ 13 trên thế giới.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong giai đoạn 1999-2009 là 1,2%/năm, giảm 0,5%/năm so với 10 năm trước và là tỷ lệ tăng thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Ngoài các chỉ tiêu quan trọng này, một con số ấn tượng trong tổng điều tra lần này là Việt Nam có trên 7.200 cụ sống thọ trên 100 tuổi.

Trong 5 tỉnh, thành phố có dân số đông nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đông dân nhất với 7.123.340 người; tiếp đến là thủ đô Hà Nội với 6.448.837 người; tỉnh Thanh Hóa với 3.400.239 người; tỉnh Nghệ An với 2.913.055 người và tỉnh Đồng Nai là 2.483.211 người. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương có dân số thấp nhất cả nước với 294.660 người.

Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm gấp hơn 2 lần mức chung của cả nước; chẳng hạn Bình Dương có mức tăng cao nhất với 7,3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,5%.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng: hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có tới 43% dân số của cả nước sinh sống.

Trong khi đó, hai vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên lại chỉ chiếm 19% dân số. Số liệu cũng cho thấy, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất với 3,2%/năm; Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ nhập cư rất cao, do vậy dân số đã tăng nhanh với tỷ lệ bình quân 2,3%/năm.

Kết quả Tổng điều tra cho thấy dân số ở thành thị chiếm 29,6% tổng dân số cả nước, tăng bình quân 3,4%/năm; trong khi tỷ lệ tăng dân số ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4%/năm. Đông Nam bộ là vùng có mức độ độ thị hóa cao nhất với dân số thành thị chiếm 57,1% dân số sống ở thành thị; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ đô thị hóa tương đối cao với 29,2%.

Đặc biệt, tỷ số giới tính đã dịch chuyển về thế cân bằng hơn và đạt mức 98,1 nam/100 nữ, tăng 1,4 nam/100 nữ so với năm 1999; trong đó Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tổng điều tra đã thành công với 5 chỉ tiêu quan trọng ban đầu được công bố là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm qua và là cơ sở để tính toán chiến lược cho 10 năm tới ở cấp quốc gia và từng tỉnh, thành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ba nhóm công việc lớn cần thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục tập trung vào khâu phân tích, đánh giá, xử lý số liệu chính xác theo đúng kế hoạch đề ra để tháng 9/2010 công bố đầy đủ số liệu tổng điều tra với mức độ tin cậy cao nhất.

Đồng thời, Tổng cục Thống kê có hướng dẫn chính thức trong việc phân tích và sử dụng các số liệu đã công bố, cũng như các số liệu phân tích sâu sau này, tránh tình trạng tùy tiện sử dụng số liệu vào các mục đích khác nhau.

Ngoài ra, công tác tổng kết đánh giá khen thưởng tiếp tục tiến hành để kịp thời động viên các cá nhân, tập thể đã có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của tổng điều tra dân số.

Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ghi nhận thành công đáng khích lệ của Việt Nam với việc đưa ra kết quả sơ bộ tổng điều tra sớm so với các nước trên thế giới.

UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phân tích các điều tra mẫu để đưa ra được các chỉ số dân số và nhà ở cụ thể chi tiết, làm căn cứ quan trọng để xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

UNFPA cũng cho rằng mặc dù Việt Nam đã đưa được tỷ số giới tính cả nước dần về thế cân bằng nhưng đó chỉ là số liệu mang tính tổng thể, công việc quan trọng hơn tiếp theo chính là phải tập trung phân tích sâu hơn nữa về tỷ số giới tính của nhóm giới tính dưới 5 tuổi, để kiểm định có hay không sự tồn tại của xu hướng lựa chọn giới tính.

Đây là nội dung rất quan trọng bởi tỷ số giới tính khi sinh mà tăng sẽ có những tác động lâu dài, mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế xã hội của những năm tiếp theo.

Theo TTXVN

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên