MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam mắc hội chứng sân bay: Lỗ và quá xa xỉ

Hàng không Việt Nam với trên 63 sân bay trong đó có 26 sân bay tầm cỡ đang hoạt động với 10 sân bay quốc tế gấp 3 lần Nhật Bản.

Tổng giá trị tài sản hạ tầng hàng không trên 70 tỷ USD với tiềm năng không nhỏ hơn 200 triệu hành khách/năm mà năng lực vận tải hiện nay là 12 triệu hk/năm, lãng phí trên 94% thị phần. Do vậy, nếu cứ tiếp tục bàn xây thêm sân bay nữa thì e rằng tiếp tục lãng phí và lấy đâu ra lượng khách để bù đắp.

TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - một nhà khoa học luôn tâm huyết về sự nghiệp đường sắt và hàng không đã chia sẻ với Đất Việt khi hay tin dự án sân bay Long Thành sắp trình ra Quốc hội để xin thông qua chủ trương xây dựng.

Quá xa xỉ lãng phí đầu tư công

PV: - Thưa ông, dự án sân bay Long Thành hiện đang được dư luận rất quan tâm và mới đây tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thành phố HCM vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối. Mới đây Cục hàng không dân dụng cũng chia sẻ nếu làm sân bay này sẽ vay tiền vốn ODA. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

TS Trần Đình Bá: - Trong bối cảnh thị trường hàng không đìu hiu, lãng phí sân bay, rơi vào cảnh “nợ nần Chúa Chổm” tới mức phá sản như ICA, MCA, thua lỗ của JPA thì nay việc bàn xây dựng một sân bay mới nữa quả là quá xa xỉ lãng phí đầu tư công.

Tôi đã từng khuyên hàng không phải đổi mới mở cửa cho hàng không giá rẻ vào để cứu lấy “Ngôi nhà hàng không đang “cháy”! (Chỉ còn đảm bảo 0.63% thị phần vận tải, thấp nhất trong 5 loại hình vận tải và kém nhất trong 10 nước hiệp hội hàng không ASEAN so với thị trường dân số) thì lấy đâu ra có lãi để trả nợ, để nuôi cả nhiều vạn cán bộ nhân viên hàng không.

Tôi cho rằng cần phá thế độc quyền về giá trong các doanh nghiệp giao thông đường sắt, hàng không… để thu hút khách chứ không phải liên tục xây dựng sân bay mới trong khi giá cả quá đắt.

TS Trần Đình Bá: Trong bối cảnh thị trường hàng không đìu hiu, việc bàn xây dựng một sân bay mới nữa quả là quá xa xỉ lãng phí đầu tư công.
TS Trần Đình Bá: Trong bối cảnh thị trường hàng không đìu hiu, việc bàn xây dựng một sân bay mới nữa quả là quá xa xỉ lãng phí đầu tư công.
Thưa ông, theo phát ngôn của Cục trưởng Hàng không, Việt Nam đang rơi vào tình trạng “quá tải sân bay, kẹt đường hàng không”. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

 - Họ “lo bò trắng răng” thật vô duyên. Này nhé ta có trên 63 sân bay từ hiện đại như Tân Sơn Nhất đến những sân bay thời chiến tranh như Phước Long – Gia lâm , Biên hòa Nước Trong…,

Hiện có tới 26 sân bay tầm cỡ đang hoạt động, tới 10 sân bay quốc tế - gấp 3 lần Nhật Bản. Tiềm năng trên 200 triệu hành khách khách /năm mà chỉ mới khai thác 12 triệu hành khách/năm, lãng phí tới hơn 94% thì có đâu mà “quá tải hay tắc nghẽn đường hàng không”, có chăng là tắc nghẽn tư duy.

Cục Hàng không đã trở thành là “pháo đài bảo thủ” không chịu đổi mới “với ba thập kỷ bế quan tỏa cảng ngăn các hãng hàng không tư nhân giá rẻ vào và đã bức tử các hãng hàng không tư nhân như ICA, MCA và JPA đang dồn gánh nợ 2 triệu USD/tháng cho Chính phủ. Sau phá sản của ICA - MCA, cục Hàng không mời gọi họ vào bay tiếp nhưng ai bay…!

Hàng không một mình một chợ theo kiểu “Đóng cửa là con ế chồng” và giờ thì họ đã thấm.

Thế nhưng trên thực tế Bộ Giao thông vận tải, Cục hàng không dân dụng vẫn đang tính toán để xây dựng sân bay Long Thành với những kỳ vọng đón lượng khách quốc tế khổng lồ. Theo ông điều này có gì bất thường?

- Việt Nam bị “hội chứng sân bay”, thi nhau xây sân bay làm mất cân đối gữa hạ tầng và phương tiện bay gây lãng phí rất lớn. Hiện hạ tầng Hàng không có giá trị trên 70 tỷ USD. Cứ đầu tư vào sân bay là một sai lầm phải trả giá vì chồng chất nợ nần ODA lên đầu các thế hệ con cháu.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho thấy trong 8 năm qua, số chuyến bay quốc tế, số hành khách quốc tế và số lượng hàng hóa quốc tế đều giảm. Sự gia tăng số chuyến bay, hành khách và hàng hóa là do thành phần nội địa.

Cụ thể, số chuyến bay tăng bình quân 4,5%/năm, trong đó bay quốc tế giảm bình quân 2,15%/năm, bay nội địa tăng bình quân 10,91%/năm. Tỉ lệ số chuyến bay quốc tế giảm từ 56,5% còn 35%.

Số hành khách tăng bình quân 4,9%/năm, trong đó khách quốc tế giảm bình quân 3,38%/năm, khách nội địa tăng bình quân 11,38%/năm. Tỉ lệ số hành khách bay quốc tế giảm từ 58,7% còn 38,4%. Số lượng hàng hóa không tăng mà giảm bình quân dưới 0,09%/năm, trong đó hàng hóa quốc tế giảm bình quân 4,05%/năm, hàng hóa nội địa tăng bình quân 7,42%/năm...

Nếu tiếp tục tính toán theo khuynh hướng trên thì đến năm 2015, số chuyến bay sẽ là 89.800, số hành khách 11.461.500 và số lượng hàng hóa sẽ là 301.900 tấn. Theo kết quả dự báo trong dự án xây dựng sân bay Long Thành, đến năm 2015, số lượng hành khách sẽ là 18.827.000 và số lượng hàng hóa 458.005 tấn.

Nhìn vào con số sẽ thấy sự khác biệt giữa 2 kết quả tính toán trên rất lớn. Vì thế, dự báo về sản lượng hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất cần phải được kiểm chứng một cách độc lập. Điều này là cần thiết nhằm tránh lãng phí lớn khi xây dựng sân bay Long Thành. Và nhìn vào con số thống kê này cho thấy, sẽ không có đủ lượng khách để đáp ứng cho sân bay Long Thành.

Theo TS Bá, ngành hàng không cần tính toán lại thay vì tiếp tục xây dựng sân bay mới
Theo TS Bá, ngành hàng không cần tính toán lại thay vì tiếp tục xây dựng sân bay mới

Tin vào sự sáng suốt của Quốc hội

Theo các chuyên gia kỳ cựu thì hàng không nội địa ở Việt Nam chưa bao giờ có lãi. Tại sao lại có chuyện này, thưa ông?

- Chính xác là hàng không nội địa chúng ta thì không bao giờ có lãi cả. Tôi đã từng có “PP Trần Đình Bá” về bài toán hiệu quả kinh tế đường bay trình bày trước bộ GTVT thì tất cả các đường bay nội địa bình quân lãng phí trên 25% chi phí sản xuất thì còn gì mà có lãi!

Nhiều hãng hàng không như ICA, MCA, JPA phá sản thua lỗ là vì vậy … do làm trái quy luật kinh tế hàng không theo lập luận “đường bay nội địa phải cứ trong vòng lãnh thổ, bay vòng như đường bộ lên Tây Bắc cho kinh tế” thì tránh sao khỏi thua lỗ phá sản, do được bay “chùa” không đóng lệ phí nên sinh ra lãng phí đến vậy.

Không gian là tài nguyên quốc gia ,hoạt động Hàng không sẽ phải đóng thuế tài nguyên- môi trường như mọi ngành, chấp nhận hạch toán để có nghĩa vụ thuế tài nguyên cho Nhà nước và tiết kiệm cho doanh nghiệp để có lãi.

Tôi đang lập dự án cho bộ Tài Chính về việc “đấu thầu đường bay” giống như ngành Viễn Thông đã thành công “đấu thầu tần số Vô tuyến điện” để khai thác triệt để tài nguyên không gian. Phải mở cửa bầu trời, lập nhiều đường bay để cạnh tranh, Chính phủ lợi thuế tài nguyên vừa xóa bao cấp phải nuôi hàng không triền miên, có cạnh tranh lành mạnh hàng không mới phát triển.

Với tư cách là một chuyên gia ông có gì mách nước cho những người đại diện nhân dân khi họ đặt lên bàn cân quyết định nhấn nút cho dự án sân bay Long Thành?

 - Lãng phí đầu tư công trong GTVT là lớn nhất làm tăng vọt nợ công nhiều tỷ USD đặc biệt là vốn vay ODA mà nhiều thế hệ con cháu chúng ta phải "kéo cày trả nợ". Hiện tại ba loại hình là hàng không, hàng hải, đường sắt đều lãng phí trên 90% tiềm năng, mất cân đối cơ cấu giữa hạ tầng và phương tiện gây quá tải và thảm họa TNGT trên đường bộ.

Tôi tin Quốc Hội có nhiều chuyên gia kinh tế giỏi, nhiều Đại biều Quốc Hội có trách nhiệm trước dân biết rõ điều này sẽ sáng suốt bỏ phiếu giống như Dự án ĐSCT 56 tỷ USD. Hãy tin tưởng vào sự sáng suốt của Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên