Việt Nam sẽ mở rộng miễn thị thực để hút khách nước ngoài
Trao đổi với Bloomberg, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Cục Du lịch – cho biết quá trình xin thị thực phức tạp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút khách du lịch.
- 13-05-2015Gia hạn tạm trú cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch
- 10-06-2013Hơn 3.700 lượt khách nước ngoài được hoàn thuế GTGT
- 19-06-2012Thí điểm hoàn thuế VAT cho khách nước ngoài từ 1/7
Theo bài báo đăng trên Bloomberg, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn thị thực cho các thị trường du lịch trọng điểm đồng thời lập Quỹ phát triển du lịch trị giá lên tới khoảng 100 triệu USD nhằm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các du khách nước ngoài. Đây là một phần trong các nỗ lực đảo chiều đà sụt giảm về lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Trao đổi với Bloomberg, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Cục Du lịch – cho biết quá trình xin thị thực phức tạp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút khách du lịch. Trong khi đó, ở các nước khác trong khu vực, quá trình này dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn Việt Nam nhiều.
Cũng theo ông Tuấn, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương miễn thị thực đơn phương cho một số thị trường trọng điểm là các quốc gia có nhiều du khách tới Việt Nam trong mấy năm gần đây. Tháng 5 vừa qua, lượng khách du lịch tới Việt Nam đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, trong đó số khách từ Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan là giảm mạnh nhất.
Ngành du lịch hiện nay đóng góp khoảng 6% GDP. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng 3,3 triệu lượt khách đã tới Việt Nam, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắt đầu từ đầu năm nay tới 2019, Việt Nam miễn thị thực cho du khách đến từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Hiện Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL đang đề xuất thêm 9 nước là Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Ấn Độ, Canada và New Zealand.
Trong khi đó, quỹ phát triển du lịch sẽ được sử dụng để đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành, mở rộng các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam như tổ chức các roadshow, thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Tối đa khoảng 30% nguồn vốn sẽ đến từ ngân sách chính phủ, phần còn lại do các công ty du lịch đóng góp và sau 5 năm sẽ đạt mức khoảng 100 triệu USD, ông Tuấn cho biết.
Để cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực như Singapore và Thái Lan, Việt Nam cần chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa quy trình cấp thị thực. Hiện nay, đôi lúc khách du lịch bị đòi thêm những khoản phụ phí nằm ngoài các loại phí đã được quy định.
“Chúng ta còn cần phải cải thiện môi trường du lịch trong nước sao cho Việt Nam hấp dẫn hơn đối với du khách. Đây là điều rất quan trọng”, ông Tuấn nói.