Việt Nam trên bức tranh nhiều mảng tối
Bức tranh kinh tế thế giới năm 2015-2016 hiện lên với nhiều mảng tối và một vài điểm sáng ít ỏi, trong đó có Việt Nam.
- 06-01-2016HSBC: Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016
- 17-12-2015“Ở Việt Nam, bữa tiệc mới chỉ bắt đầu”
- 16-12-2015Giá dầu “lao dốc”, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ giá xăng thế giới?
Kinh tế thế giới năm 2015 được đặc trưng bởi “4 thấp”: tăng trưởng thấp, thương mại và đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo với nhiều khó khăn và rủi ro, khiến nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB và OECD liên tục giảm dự báo tăng trưởng. Năm 2015 kinh tế thế giới dự kiến tăng thấp nhất kể từ suy thoái kinh tế năm 2009, với mức tăng từ 2,5-3,1%, giảm từ 0,1-0,3% so với dự báo trước đó với nhiều mảng tối hơn điểm sáng.
Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm
Ngày 16/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên 0,5%, kết thúc 7 năm nới lỏng tiền tệ với mức lãi suất gần bằng 0 (0,25%), giúp chứng khoán Mỹ tăng hơn 3 lần và bổ sung 15.000 tỷ USD vốn hóa cho thị trường trong 6,5 năm. Động thái này cuối cùng đã chính thức được quyết định, sau nhiều lần trì hoãn trước nhiều chỉ số khả quan, chứng tỏ kinh tế Mỹ đã phục hồi vững chắc. Fed cũng phát tín hiệu sẽ nâng dần lãi suất lên mức 1,375% đến cuối năm 2016.
Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm
Trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi khả quan, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Trong ba quý đầu năm 2015, kinh tế Trung Quốc đạt xấp xỉ 7% và khá chật vật để đạt được mục tiêu 7% cho cả năm - mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm qua khi các chỉ số kinh tế đều kém lạc quan: xuất nhập khẩu ba quý suy giảm mạnh xuống -8,2%, thấp nhất từ 30 năm qua; tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,5%; lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước giảm 8,2%.
Đây là năm quá trình đi sâu cải cách mở cửa và tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, rủi ro và chịu nhiều thiệt hại nhất. Biến động thị trường chứng khoán tháng 7/2015 làm thiệt hại hơn 4 nghìn tỷ USD; các biến động tài chính – tiền tệ buộc Trung Quốc phải can thiệp sâu với 4 lần phá giá Nhân dân tệ, 4 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, 6 lần giảm lãi suất, làm suy giảm tổng cộng khoảng 400 tỷ USD dự trữ ngoại tệ trong 11 tháng đầu năm 2015, xuống còn 3.440 tỷ USD.
AIIB và Nhân dân tệ - Nhân tố mới trong hệ thống quản trị toàn cầu
Hệ thống quản trị toàn cầu năm 2015 tiếp nhận thêm vai trò của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và đồng Nhân dân tệ trong giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). AIIB và đồng Nhân dân tệ, mặc dù không thay thế được vị trí của các thể chế kinh tế quốc tế hiện thời như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế hay vị trí độc tôn của đồng Đô-la Mỹ nhưng tạo thêm lựa chọn cho các nước khác và là nhân tố mới giúp thúc đẩy cải cách bên trong các thể chế này.
Hội nhập kinh tế sôi động với TPP, AEC và FTAs
Trong bối cảnh đàm phán thương mại trên quy mô toàn cầu như WTO bế tắc, nhiều liên kết kinh tế với quy mô song phương, khu vực và xuyên khu vực phát triển sôi động. Năm 2015 đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và hàng loạt các FTA song phương (FTA giữa ASEAN và các nước đối tác, FTA Trung Quốc với Australia và Hàn Quốc, nâng cấp FTA ASEAN – Trung Quốc…).
Nga và Brasil: Bộ đôi ảm đạm của BRICS
Năm 2015, các nước đang phát triển, cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong những năm trước, gặp nhiều khó khăn với mức tăng trưởng dự kiến đạt 4%, so với mức 4,6% của năm 2014.
Đặc biệt trong BRICS, kinh tế Brasil và Nga lao dốc sâu. Kinh tế Brasil giảm 1,7% vào Quý III so với Quý II/2015 và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2014 do ảnh hưởng của thất nghiệp, lạm phát và thâm hụt ngân sách.
Kinh tế Nga giảm 4,1% cho quý III so với cùng kỳ năm 2014 sau khi giảm 4,6% vào Quý II và dự kiến giảm 4,0% cho cả năm 2015 do ảnh hưởng nghiêm trọng từ giá dầu giảm và cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Hy Lạp vỡ nợ
Ngày 1/7/2015, Hy Lạp đã chính thức trở thành quốc gia phát triển duy nhất trong lịch sử bị vỡ nợ do không thể hoàn trả đúng hạn khoản nợ 1,7 tỷ USD cho IMF. Với sự hỗ trợ của Eurozone, bong bóng nợ công của Hy Lạp chỉ tạm lắng nhờ cơ cấu nợ chứ chưa được giải quyết dứt điểm khi mức nợ công của Hy Lạp vẫn cao kỷ lục với 176,3% GDP.
Đáng lo ngại, Hy Lạp không phải là quốc gia duy nhất của EU bị đe doạ bởi nợ công. Theo Eurostat ngày 21/10/2015, một số nước có tỷ lệ nợ công lớn hơn GDP, ngoài Hy Lạp còn có Italia (131,3%), Ireland (110,8%), Cộng hòa Síp (107,5%), Bỉ (106,4% GDP).
Giá hàng hóa thấp kỷ lục
Năm 2015, giá nguyên liệu và dầu thô lao dốc và ở mức thấp lịch sử trong khi dư cung và nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế đang nổi như Brasil và Trung Quốc giảm sâu. Chỉ số giá của 22 hàng nguyên liệu (chỉ số Bloomberg) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999; giá dầu đã “thủng đáy” 40 USD/thùng, giảm còn 37,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009; giá đồng và nhôm giảm thấp nhất trong 6 năm qua.
Thế giới nỗ lực chuyển mình sang mô hình các-bon thấp
Năm 2015 đánh dấu quyết tâm mạnh mẽ của thế giới trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Đáng chú ý là các nỗ lực của Liên Hợp quốc trong chuyển sang ưu tiên tăng trưởng bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cho giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị COP 21 tại Paris tháng 12/2015.
Châu Á – Thái Bình Dương: Điểm nóng của tăng trưởng và địa chính trị
Năm 2015, vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đầu tư và thương mại toàn cầu suy giảm, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đảm nhận vai trò là đầu tàu quan trọng của tăng trưởng toàn cầu với mức tăng cả năm dự kiến khoảng 6,5%.
Đồng thời đây cũng là khu vực thể hiện sự cạnh tranh chiến lược quan trọng của các nước lớn. Tại châu Á, Trung Quốc thành lập AIIB đối trọng với ADB, đẩy mạnh thực thi sáng kiến “Nhất đới nhất lộ”. Mỹ thành công trong nỗ lực xác lập luật chơi mới tiêu chuẩn cao qua TPP. Nhật Bản triển khai sáng kiến “Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng chất lượng”. Nga ra sức củng cố Liên minh kinh tế Á – Âu.
Đặc biệt, tại khu vực Mê Công, các đối tác lớn cũng củng cố, thúc đẩy mạnh mẽ khuôn khổ hợp tác với các nước tiểu vùng: Nhật Bản thúc đẩy hợp tác Mê Công – Nhật ; Mỹ đẩy mạnh Sáng kiến hợp tác các nước hạ nguồn Mê Công (LMI) và Trung Quốc đẩy mạnh Hợp tác Mê Công – Lan Thương.
Sự đe doạ của thách thức an ninh – chính trị và dịch bệnh
Năm 2015, bên cạnh các rủi ro và khó khăn kinh tế truyền thống, nhiều thách thức mới nổi lên, đe dọa tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Dịch MERS-CoV làm thất thu 10 tỷ USD cho du lịch Hàn Quốc. Tại châu Âu, vấn đề người nhập cư không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây nguy cơ chia rẽ nội khối trong Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vấn đề phức tạp ở biển Đông và các thảm họa động đất tại Nepal gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch, thiệt hại kinh tế và chu chuyển các dòng vốn và thương mại toàn cầu.
2016: Khả quan hơn nhưng chưa tươi sáng
Kinh tế thế giới năm 2016 dù có khả quan hơn nhưng không hứa hẹn một bức tranh tươi sáng. Hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới năm 2016 sẽ phục hồi chậm với mức tăng dự kiến từ 3,0-3,6% với nhiều rủi ro, nếu không kiểm soát tốt có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới.
1. Tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc có tác động lan tỏa ngày càng lớn hơn đến kinh tế thế giới thông qua kênh thương mại, giá hàng hóa cơ bản, đầu tư-tài chính toàn cầu. Theo ước tính của OECD, suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,75-1% điểm trong năm 2016-2017.
Theo dự báo, Trung Quốc tiếp tục tỏ quyết tâm thúc đẩy cải cách nhưng vẫn ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình cao. Các khó khăn và rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt là nợ công cao (lên tới 282% GDP), bong bóng tín dụng ngầm, bất động sản, dư thừa sản lượng công nghiệp và già hóa dân số.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của năm 2015 và nhờ vẫn còn nhiều dư địa về phát triển (đô thị hóa, đại khai phá miền Tây, mở cửa đối ngoại, “Một vành đai, một con đường”), dư địa chính sách (vẫn có thể hạ tiếp lãi suất và tỷ lệ dự trữ, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao, Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chuyển đổi của IMF), Trung Quốc có khả năng xử lý các khó khăn hiện nay và tránh được “hạ cánh cứng”.
2. Suy yếu các nền tảng tăng trưởng do hệ lụy kéo dài của khủng hoảng tài chính toàn cầu (như nợ công cao), vấn đề già hóa dân số, năng suất lao động dưới mức tiềm năng, dẫn đến suy giảm tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Giáo sư Lawrence Summers (Đại học Harvard- Nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ) nhiều lần cảnh báo nguy cơ “đình trệ kéo dài” và nhiều nước không còn nhiều dư địa phản ứng chính sách khi xảy ra suy thoái.
3. Cạnh tranh địa chính trị quyết liệt giữa các cường quốc và bất ổn về an ninh, chính trị tại nhiều khu vực, đặc biệt là sự gia tăng hoạt động của các nhóm khủng bố quốc tế cùng với các xáo trộn chính trị- xã hội ở nhiều nước và khu vực nếu không được kiểm soát tốt có thể làm gián đoạn dòng thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế.
4. Giá cả hàng hóa nguyên liệu và dầu thô tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp do các nhân tố cung – cầu đều khó tiên liệu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng và tăng trưởng nguồn cung chậm lại nhưng không đủ để khắc phục tình trạng dư thừa nguyên liệu. IEA dự báo, phải đến năm 2016 thì mức dư thừa mới giảm xuống còn khoảng 850.000 thùng/ngày, và phải đến quý 4/2016 thì tồn kho dầu của thế giới mới ngừng tăng.
5. Thị trường tài chính – tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quyết định tăng lãi suất của Fed tiếp tục đẩy đồng USD tăng giá, gây sức ép điều chỉnh chính sách tỷ giá và lãi suất của nhiều nước, làm tăng nghĩa vụ nợ công, khả năng thu hút vốn giảm do dòng chảy đầu tư được hút về Mỹ.
6. Các liên kết kinh tế quốc tế mới được hình thành sẽ có tác động tích cực thúc đẩy giao thương nội khối và tạo tác động lan tỏa tăng cường giao dịch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự ra đời của nhiều thỏa thuận thương mại mậu dịch tự do tạo ra một hệ thống liên kết toàn cầu phức tạp, nhiều tầng nấc, dễ dẫn đến khả năng cạnh tranh nhau, làm tăng chi phí cho đàm phán, hài hòa hóa thủ tục và đẩy chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, lại có tác động tiêu cực đến tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, nhiều nước lâm vào suy thoái, kinh tế Việt Nam vươn lên trở thành một trong các điểm sáng đáng chú ý trên trường quốc tế.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế (WB, ADB, HSBC, Standard Chartered, Financial Times...) và doanh giới đều tỏ lạc quan với triển vọng tích cực trong năm 2015-2016, cho rằng Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế đang nổi duy trì đà tăng trưởng với mức tăng dự báo 6,0-6,5% (từ mức 5,8-6,1% theo dự báo trước đó) nhờ phục hồi tiêu dùng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng xuất khẩu và đầu tư tốt đặc biệt sau khi ký các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đặc biệt, bên cạnh các thành tựu kinh tế đối ngoại, năm 2015, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 12 bậc lên vị trí 56 trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là mức tăng bậc nhanh nhất cho đến nay.
Bước vào năm 2016 với triển vọng lạc quan song nhiều bấp bênh của kinh tế thế giới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, thực hiện cải các để tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động không thuận của môi trường bên ngoài.
Theo Phan Lộc Kim Phúc
Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp
Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao