Vietnam Airlines vẫn muốn chính phủ bảo lãnh vay vốn
Trong phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), doanh nghiệp này đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì việc bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay.
- 28-05-2014Đề nghị tách SCIC ra khỏi Bộ Tài chính để giám sát
- 29-04-2014Bloomberg: Vietnam Airlines được định giá 2,74 tỷ USD
- 28-04-2014IPO Vietnam Airlines: Bất ngờ báo lãi gần 480 tỷ trong quý I
Theo đó,Vietnam Airlines đã chính thức trình Bộ Giao thông Vận tải phương án cổ phần hóa công ty mẹ để bộ chủ quản trình chính phủ phê duyệt. Dự kiến việc cổ phần hóa sẽ về đích vào cuối năm nay.
Quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa giai đoạn I là hơn 14.101 tỉ đồng, tương đương 1,41 tỉ cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng).
Sau cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 75% cổ phần của Vietnam Airlines, tương đương 10.576 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 20% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược với số lượng không quá 3 tổ chức. Số lượng cổ phần được bán đấu giá công khai (IPO) là 3,465%, giá khởi điểm được đề xuất là 22.300 đồng/cổ phần. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dành 1,985% cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, công đoàn.
Trong giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu, tỉ lệ sở hữu của nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm nhưng không thấp hơn 65%.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ thực hiện IPO trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Về nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ cho phép giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần (khoảng 1.043 tỉ đồng) để tăng vốn điều lệ làm cơ sở bổ sung thêm tiền để mua thêm máy bay.
Hãng cũng kiến nghị tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại. Vì đối với một hãng hàng không, quy mô đội máy bay có tính chất quyết định đến doanh thu.
Hiện nay, đội bay của hãng có hơn 80 chiếc, gồm các loại Boeing 777, Airbus 321, Fokker, ATR72.