MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VietnamAirlines là thương hiệu Quốc gia đấy, nhưng trang web thì dở tệ

Là thương hiệu Quốc gia Việt Nam nhưng website của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VietnamAirlines) lại không hề xứng tầm với vị trí này.

Không muốn “chê” biểu tượng hay logo thương hiệu quốc gia Việt Nam nhưng vị Giám đốc của Brand Finance tại Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng phải thẳng thắn bộc lộ quan điểm khi truy cập vào website của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – VietnamAirlines

Là một trong 63 doanh nghiệp được vinh danh trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, thì việc hiện diện ở nhiều nước và là cầu nối đưa khách quốc tế đến Việt Nam, VietnamAirline còn có ý nghĩa là hình ảnh đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường nước ngoài, cùng với cà phê Trung Nguyên, nón lá hay áo dài…

Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ được ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á Thái Bình Dương của Công ty Brand Finance chia sẻ rằng khi truy cập vào website của VietnamAirline ông khá ngạc nhiên khi mà trang website của một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, lại nghèo nàn đến vậy.

Trang website của doanh nghiệp lớn mà thiếu tính năng hỗ trợ khách hàng

“Trang website của VietnamAirlines là trang web dở nhất. Tôi truy cập vào nhưng chưa bao giờ nhưng chưa bao giờ được trang website này hỏi về các tiện ích dịch vụ sẽ hỗ trợ như thế nào. Tôi thấy thiếu các tương tác về tiện ích để hỗ trợ cho khách hàng khi truy cập vào website này. Chúng ta nói thương hiệu Quốc gia thì phải thể hiện sự cam kết và trách nhiệm với hách hàng nhưng VietnamAirlines chưa thể hiện được điều đó” – ông Samix đánh giá.

Một đồng nghiệp của ông Samix là ông Thierry Noeyell, chuyên gia thương hiệu, Cố vấn cấp cao của Chương trình Hợp tác kỹ thuật Vietrade và SECO cũng đồng tình quan điểm trên. Ông nói cảm thấy bị lúng túng một hồi mới tìm ra website chính thức của VietnamAirlines.

“Tôi đi tìm trang website của VietnamAirlines nhưng thấy có tới vài trang nên tôi phải lần mò xem trang nào thân thiện nhất và có nhiều tính năng. Thực tế thì không chỉ VietnamAirlines mà nhiều trang website của 63 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đều có chất lượng không tốt cho lắm, vừa nghèo nàn và không có nhiều tính năng, thiếu sự tương tác” – ông Thierry nói.

Trong khi đó, vị chuyên gia thương hiệu này cho rằng website là một trong những yếu tố quan trọng để quảng bá thương hiệu, giúp cho khách hàng tìm hiểu và tiếp cận những thông tin liên quan đến doanh nghiệp.

Do đó, việc xây dựng để trang website trở thành một kênh thông tin thân thiện nhất và có nhiều tính năng tương tác hỗ trợ khách hàng nhiều nhất, có ý nghĩa rất quan trọng để tạo ấn tượng cho khách hàng.

“Nếu ta muốn quảng bá thương hiệu Quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm thì trang website là thứ đầu tiên phải chú ý” – Ông Thierry nói.

Phức tạp và lẫn lộn với hàng tá logo thương hiệu Việt Nam

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp được công nhận là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lại không mấy chú ý đến việc làm thế nào để các website trở nên hấp dẫn và tiện ích nhất với khách hàng. Thậm chí các doanh nghiệp này còn không chú trọng việc quảng bá thông tin, đưa logo là doanh nghiệp thương hiệu quốc gia lên website. Ông Thierry nói rằng đây là điều đáng tiếc.

Chuyện của doanh nghiệp là vậy, nhìn rộng ra câu chuyện thương hiệu Việt Nam lại càng đáng buồn hơn. Ông Samix kể chuyện đi tìm logo thương hiệu Việt Nam, mới thấy là quá phức tạp và “rắm rối” khi có đến hàng chục logo cứ na ná giống nhau.

“Có rất nhiều logo sẽ làm cho chúng ta cảm thấy lẫn lộn và bối rối, không thể hiện rõ về thương hiệu Việt Nam. Lúc là nụ cười, lúc là bông sen, khi thì hình chữ S, hoặc câu khẩu hiệu… Việc có quá nhiều logo, sẽ khiến người khác cảm thấy lẫn lộn” – ông Samir nói.

Vị chuyên gia này bày tỏ rằng không phải có ý chê logo thương hiệu của Việt Nam đẹp hay xấu, nhưng ông khuyên không cần phải có quá nhiều thứ mà phải làm sao gọt giũ để lựa chọn, có hình ảnh đại diện nhất quán cho Việt Nam.

Ngoài ra, cần phải đưa ra tiêu chuẩn mà ta hướng tới, nhiều nc đều có tiêu chuẩn như vậy, chỉ có chủ đề duy nhất thôi nhưng thành công hơn là lan man và đưa ra nhiều thứ khác nhau.

Còn theo ông Thierry, cơ quan Chính phủ có vai trò lớn trong xây dựng và quản lý thương hiệu, song trên cơ sở phải có đội ngũ chuyên gia marketing để quảng bá và xây dựng thương hiệu đó mạnh hơn nếu không muốn để giá trị thương hiệu Việt Nam đi sau nhiều nước trong khu vực.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên