MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Giá điện cao, Việt Nam vẫn thua Lào về tiếp cận điện năng

Sau khi tăng 7,5% từ ngày 16/3 tới đây, giá điện Việt Nam cao hơn giá điện của Lào khoảng 0,58 cents/kWh. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam vẫn “thua” Lào về khả năng tiếp cận điện năng.

Tóm tắt:

- Từ ngày 16/3/2015, giá điện của Việt Nam sẽ tăng thêm 7,5%; tương ứng giá bán lẻ bình quân là 1.622,05 đồng/kWh.

- Theo thống kê, sau khi tăng thêm 7,5%, giá điện của Việt Nam vẫn thuộc mức thấp trên thế giới, nhưng không phải thấp nhất khu vực. Giá điện Việt Nam vẫn cao hơn giá điện của Lào khoảng 0,58 cents/kWh.

- Theo báo cáo của nhóm Nghiên cứu Doing Business thuộc Ngân hàng thế giới, Việt Nam vẫn xếp sau Lào về khả năng tiếp cận điện năng.


Sau nhiều lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đề xuất tăng giá điện do chi phí đầu vào tăng và EVN đang bị lỗ, giá điện đã được điều chỉnh tăng kể từ ngày 16/3/2015 với mức tăng 7,5%.

Theo lãnh đạo EVN, trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án tăng giá điện là: 7,5%; 8% và 9,5%. Và Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng thấp nhất là 7,5%.

So sánh với số liệu thống kê của trang Statista.com về giá điện thế giới năm 2014, sau khi tăng thêm 7,5%, giá điện của Việt Nam vẫn thuộc mức thấp trên thế giới, nhưng không phải thấp nhất khu vực. Cụ thể, năm 2014, giá điện của Italia cao gấp 3 lần giá điện của Việt Nam (21,01 cents/kWh); giá điện của Anh cao gấp 2 lần giá điện Việt Nam (15,4cents/kWh)…

Theo tờ Vientianne Times của Lào trích lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng nước này, ông Viraphonh Viravong cho rằng, điện của Lào rẻ nhất. Năm 2014, giá điện tại Lào chưa đến 7 cents/kWh, thấp hơn so với mức 16 cents/kWh tại nước láng giềng Campuchia hay 10 cents/kWh ở Thái Lan. Sau khi tăng 7,5% từ ngày 16/3 tới đây, giá điện Việt Nam vẫn cao hơn giá điện của Lào khoảng 0,58 cents/kWh.

Trong khi đó, tại hội thảo “Đánh giá các chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 12/3, đại diện nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn “thua” Lào về khả năng tiếp cận điện năng.

Cụ thể, số liệu của nhóm nghiên cứu Doing Business của WB, so sánh về khả năng tiếp cận điện năng, Việt Nam xếp thứ 135 trên tổng số 189 quốc gia. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan là nước có chỉ số tiếp cận điện dễ nhất (xếp thứ 12/189 quốc gia xếp hạng), tiếp đến là Philippine (thứ 16/189), Malaysia (thứ 27/189), Indonesia (thứ 78/189), Lào (thứ 128/189). Mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 67.

Như vậy, khả năng tiếp cận điện năng của Việt Nam vẫn thua Lào tới 7 bậc.

Đồng thời, báo cáo của WB chỉ ra rằng, để có được 1 đầu nối điện, chủ doanh nghiệp ở Việt Nam phải hoàn thành 6 thủ tục với thời gian lên đến 115 ngày và chi phí (tính trên % thu nhập bình quân đầu người) là 1432,8%.

WB dẫn chứng, để có được 1 đầu nối điện, một doanh nghiệp tại TP.HCM bắt buộc phải làm 6 thủ tục, gồm: Nộp hồ sơ xin đấu nối điện và chờ Công ty điện lực TP.HCM xét duyệt (mất 30 ngày); khách hàng được công ty điện lực kiểm tra thực địa (1 ngày); được duyệt thiết kế và được cấp phép đào đường, vỉa hè để đấu nối dây ngầm do Sở GTVT cấp (15 ngày); thuê một công ty thiết kế và tiến hành thi công ngoài trời, lắp đặt máy biến thế (65 ngày, chi phí mất 544 triệu đồng); cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận thiết kế đạt yêu cầu an toàn (30 ngày); được lắp công tơ và đấu nối điện (7 ngày).

Trong khi đó, số thủ tục trung bình ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là 4,6 thủ tục; khu vực các nước trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 4,7 thủ tục.

>>>Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên