MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của World Bank, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng cao.

Theo World Bank, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của một quốc gia được đánh giá thông qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đóng góp vào tổng giá trị gia tăng của quốc gia đó. Ở Việt Nam, trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 14,1% và hứa hẹn cả năm xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.

World Bank nhận định, Việt Nam chỉ nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp như máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo … Trong khi đó, xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh và đóng góp khoảng 41% vào tổng GDP của cả nước. Quan trọng hơn, các công ty nội địa được hưởng lợi về công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng từ các công ty nước ngoài thông qua đầu tư FDI.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn do các nền kinh tế lớn biến động, Việt Nam không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á hứa hẹn sẽ hưởng lợi. Bên cạnh đó, các quốc gia cần phải có các chính sách điều chỉnh giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nước mình.

Báo cáo của World Bank cũng chỉ rõ, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia sẽ là những quốc gia hưởng lợi về xuất khẩu khi kinh tế toàn cầu hồi phục. Mức độ hưởng lợi sẽ phản ánh vai trò của từng quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Dự báo tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của các nước Đông Á (Nguồn: World Bank)

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Năng lực sản xuất điện còn nhiều hạn chế. Trong 2 thập kỷ qua, năng lực sản xuất điện của Việt Nam mới tăng 10%. Chất lượng và hệ thống đường giao thông còn nhiều yếu kém, chưa đủ năng lực phục vụ sản xuất công nghiệp. Việc phân bổ nguồn lực và thực hiện các dự án còn hạn chế, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm có vốn đầu tư nhà nước thường bị "đắp chiếu" dài ngày.

Đánh giá chung về các nền kinh tế khu vực Đông Á, không tính Trung Quốc, World Bank cho rằng, các quốc gia đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay; trước khi tăng tốc lên mức 5,3% trong năm 2015. Khu vực này hưởng lợi nhờ xuất khẩu tăng và quá trình điều chỉnh nội địa được hoàn thành. 

Các chuyên gia của World Bank cũng nhận định, mặc dù toàn bộ khu vực này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ khu vực nào nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhưng tác động tới các nước khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường đầu tư và xuất khẩu. 

Đồng thời, World Bank cũng cảnh báo, còn nhiều điều bất trắc có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực. Các nền kinh tế có thu nhập cao, đặc biệt là ở khu vực đồng euro và Nhật Bản, có thể phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực trong ngắn hạn. Các điều kiện về tài chính trên toàn cầu có thể sẽ được thắt chặt một cách đáng kể, và những căng thẳng về chính trị ở quy mô quốc tế và khu vực có thể làm ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng. Khu vực này cũng vẫn tiếp tục dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng mạnh từ Trung Quốc.

World Bank: Việt Nam sẽ hưởng lợi khi kinh tế toàn cầu hồi phục

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên