Xác định tỷ giá trong giá cơ sở xăng dầu thế nào cho đúng?
Tỷ giá đã tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhập khẩu trong đó có các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu lần thứ 4 có quy định tỷ giá ngoại tệ để tính giá cơ sở xăng dầu là tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Điều này có phù hợp với thực tế kinh doanh hay không, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Khoản 9 Điều 3 về phương pháp tính giá cơ sở trong dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ84 về kinh doanh xăng dầu đã khắc phục được những hạn chế tính giá cơ sở trong NĐ 84 hay không, thưa ông?
Doanh nghiệp hy vọng Nghị định mới sẽ khắc phục được những nhược điểm trong công thức tính giá tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP, như thuế chồng thuế, hay cách lựa chọn tỷ giá…, tuy nhiên dự thảo lần 4 lại chưa khắc phục được nhược điểm này, thậm chí riêng về vấn đề tỷ giá còn phi thực tế hơn so với NĐ84 trước đây.
Đó là, trong khi thực tế các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khi thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài đều phải mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại để thanh toán, vì vậy tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã quy định tỷ giá để tính giá cơ sở là tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch (trừ tỷ giá áp dụng cho tính thuế khâu nhập khẩu được tính theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng) nhưng nay tại Khoản 9 Điều 3 dự thảo Nghị định sửa đổi lại qui định“Tỷ giá ngoại tệ là tỷ giá liên ngân hàng bình quân theo số ngày dự trữ lưu thông”.
Điều này là không phù hợp với thực tế.
* Xin ông so sánh sự khác biệt giữa tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá của Ngân hàng thương mại, nếu tính giá cơ sở theo tỷ giá liên ngân hàng DN sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Tỷ giá liên ngân hàng là tỷ giá ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Các ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng cung cầu của thị trường ngoại tệ trong nước và khả năng biến động của tỷ giá hối đoái quốc tế được quyền mua, bán trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép, trước đây cũng đã có thời kỳ ngân hàng thương mại được mua, bán trong biên độ +/- 5% và hiện nay biên độ này đã giảm xuống chỉ còn +/- 1%. Tuy nhiên do nguồn cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam vẫn còn khó khăn, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước còn rất hạn chế, vì vậy trên thực tế tỷ bán ra của các ngân hàng thương mại cho các DN nhập khẩu luôn cao hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố, thậm chí nhiều giai đoạn tỷ giá giao dịch thực tế đã vượt xa tỷ giá trần cho phép
Và ngay thời điểm hiện tại, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% từ ngày 28/6/2013 thì những ngày gần đây Petrolimex cũng không thể mua được ngoại tệ với tỷ giá 21.246 VND/USD (tỷ giá trần) để thanh toán nhập khẩu mà phải chuyển sang trạng thái vay trong khi nguồn VND tồn dư rất cao.
Đây là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của các DN nhập khẩu, xong một điều khẳng định, tỷ giá đã tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhập khẩu trong đó có các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể như tại thời điểm hiện nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 21.036 VND/USD, còn tỷ giá trần bán ra là 21.246 VND/USD. Như vậy, chênh lệch giữa tỷ giá mua thực tế với tỷ giá bình quân liên ngân hàng khoảng 210 VND/USD.
Nếu tính theo giá Platt’s bình quân 30 ngày gần đây và tỷ giá bình quân liên ngân hàng thì giá cơ sở tính theo VND doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu mất khoảng 150- 180 đồng/lít, tùy theo từng mặt hàng xăng dầu, nếu nhân với lượng xăng dầu nhập khẩu của các đầu mối thì số tiền này là không nhỏ.
Bên cạnh vấn đề hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thì điều quan trọng hơn mà tôi nhận thấy, đó là ngay từ yếu tố đầu vào để làm cơ sở cho việc quyết định điều hành giá bán xăng dầu trong nước đã có những thành tố thoát ly khỏi thực tế ngay từ khi xây dựng chính sách.
* Thưa ông, nếu Petrolimex đề xuất tỷ giá ngoại tệ trong giá cơ sở thì phải xác định theo tỷ giá thế nào cho đúng?
Như tôi đã phân tích, để phù hợp với thực tế và dễ dàng trong việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như mọi tầng lớp xã hội và người tiêu dùng, trong khi thực tế mỗi doanh nghiệp đầu mối có quan hệ giao dịch với nhiều ngân hàng khác nhau và mức độ giao dịch của mỗi DN với mỗi ngân hàng tại mỗi thời điểm cũng có sự khác nhau… Vì vậy, theo tôi hợp lý nhất thì tỷ giá trong công thức tính giá cơ sở đối với giá trị hàng nhập khẩu thanh toán với nhà cung cấp phải là tỷ giá thực tế mà các DN mua của ngân hàng thương mại, khi đó Nhà nước có thể thống nhất quy định các đầu mối nhập khẩu xăng dầu lấy tỷ giá bán ra bình quân của 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, Viettinbank, BIDV, Agribank để tính giá cơ sở xăng dầu.
*Xin cảm ơn ông!