Xây dựng bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu của Công ty cổ phần Cảng Nha Trang.
- 08-02-2016Nhu cầu vốn đầu tư công trong trung hạn cần hơn 10.975 tỷ đồng
- 25-01-2016Nhật Bản muốn đầu tư vào các cảng trọng điểm Việt Nam
- 18-05-2015Ngày 19/5, khởi công dự án xây dựng cầu Việt Trì-Ba Vì
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Công ty cổ phần Cảng Nha Trang thực hiện quy trình thủ tục của Dự án theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thỏa thuận cụ thể về công năng và quy mô của Bến cảng được đầu tư trong giai đoạn mở đầu phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Cảng Nha Trang theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công ty cổ phần cảng Nha Trang đã đề xuất đầu tư 417 tỉ đồng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vân Phong tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng 2 bến tổng hợp giai đoạn đầu (đến năm 2020) với quy mô kho bãi đáp ứng lượng hàng thông qua từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT. Giai đoạn hoàn thiện sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu đến 15.000 TEU với lượng hàng thông qua từ 1-1,5 triệu TEU/năm khi có nhu cầu hình thành cảng trung chuyển.
Được biết, hiện cảng tổng hợp Nha Trang là nơi tiếp nhận hàng hóa chính của khu vực Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cảng này hiện đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.
Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng mới thay thế cảng Nha Trang tại vị trí phù hợp là nhu cầu cấp thiết, đảm bảo việc làm liên tục cho lực lượng lao động đã có kinh nghiệm, tránh lãng phí nguồn lực về phương tiện, thiết bị và chi phí vận chuyển tăng thêm khi phải chuyển hàng đến cảng xa hơn. Đồng thời, đảm bảo cho việc lưu thông thông suốt hàng hóa cho khu vực Khánh Hòa và Tây Nguyên.