MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng gấp kịch bản tăng trưởng?

Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP cao, nhưng hiệu suất đầu tư còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nhập siêu lớn... là những rào cản gây áp lực lên nền kinh tế.

Đó là nhận xét chung được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Tái cơ cấu kinh tế để phục hồi tốc độ tăng trưởng hiện nay” - do Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH& ĐT), những nỗ lực đổi mới thời gian qua đã giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tổng đầu tư xã hội cũng như tỷ trọng vốn đầu tư xã hội so với GDP liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trong đó giai đoạn 2004-2009 lên đến hơn 40%, đưa Việt Nam xếp vào nhóm nước có mức đầu tư cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ tăng vốn đầu tư hàng năm với tốc độ tăng GDP trong thời gian từ 1991-2010 thì thấy, tốc độ đầu tư cao gấp 3 lần tốc độ tăng GDP (22,9% so với 7,4%).

Điều này cho thấy hiệu suất đầu tư chưa được cải thiện. Ngoài ra, xét về xu hướng, tương quan

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH& ĐT):

Để vượt qua được những thách thức này, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa ổn định để phát triển và phát triển để ổn định, nâng cao hiệu suất đầu tư, phát triển con người và chỉ khi duy trì được mức tăng trưởng hợp lý mới có thể ổn định và phát triển.

đầu tư - tăng trưởng cũng cho thấy, mức tăng đầu tư liên tục và khá “nóng”, nhưng mức tăng trưởng lại không tăng tương ứng, cho thấy hiệu quả đầu tư chưa cao.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù bội chi ngân sách và nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn, song đang có xu hướng tăng lên, dấu hiệu cho thấy khả năng trả nợ chưa vững chắc.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia đặc biệt lưu tâm là xuất khẩu tăng những nhập siêu lại lớn. Bên cạnh đó, lạm phát cũng luôn là vấn đề đáng lo ngại, chỉ tính riêng giai đoạn 1996-2012, Việt Nam có 13 năm lạm phát trên hai con số, đáng kể là giai đoạn 2007-2008 với 16,3%/năm và năm 2010-2011 là 15%/năm. Điều đó cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững, sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn.

Những đặc điểm trên đã phần nào cho thấy những thách thức ở phía trước của nền kinh tế cũng như khả năng phục hồi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Thực tiễn hai năm qua cho thấy, tốc độ tăng GDP đã thấp hơn so với mục tiêu đề ra: năm 2011 đạt 5,9%; năm 2012 chỉ đạt 5,03% và năm 2013 là 5,5%. Theo Ngân hàng Thế giới, xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi, những nước xung quanh về cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, kể cả Lào và Campuchia.

Như vậy, nếu trong một vài năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế không được phục hồi trở lại ở mức bình quân khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2 thập kỷ (1991-2010) thì việc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa cho những năm sau đó (đến năm 2020) để bù đắp cho những năm tăng trưởng giảm đi hiện nay sẽ là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có những nghiên cứu khẩn cấp về chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có được những chính sách cụ thể, khả thi và hữu hiệu hơn trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, điều đó cũng có nghĩa là những khoản vốn vay ưu đãi sẽ thu hẹp dần lại. Do vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần chuẩn bị tốt cho vấn đề này, cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư tốt cho phát triển.

Theo Thu Hằng

thunm

Báo công thương

Trở lên trên