Xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở VN: Cần có cơ quan điều tiết độc lập
Bên lề Hội thảo “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức, PV có cuộc trao đổi với luật sư Julian Scarff – chuyên gia tư vấn luật đến từ Australia, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về thể chế thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.
- 10-07-2015Giá điện sắp vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước
- 09-07-2015Giá điện dùng càng nhiều càng đắt: Không chỉ riêng Việt Nam?
- 16-03-2015Minh bạch giá điện: Vì sao EVN nói khó?
Thưa ông, đâu là thách thức trong việc xây dựng thể chế thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam?
Tôi nghĩ thách thức lớn nhất đó là cần có thể chế đủ mạnh nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đủ hấp dẫn để thu hút đầu vào ngành Điện. Tôi biết công tác này sẽ cực kỳ khó khăn vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam bởi đối với người tiêu dùng rất khó để họ có thể chấp nhận việc tăng giá điện.
Vậy Việt Nam nên tập trung vào vấn đề gì trước tiên?
Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là phải có một cơ quan điều tiết điện lực độc lập không trực thuộc một bộ chủ quản nào. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới khi có cơ quan điều tiết độc lập thì họ sẽ bảo đảm lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng, đồng thời hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp bán điện.
Việt Nam đã xây dựng thị trường điện cạnh tranh qua 3 cấp độ. Hiện đã kết thúc cấp độ thứ nhất là thị trường phát điện cạnh tranh, đang chuẩn bị thực hiện cấp độ 2 là thị trường bán buôn cạnh tranh dự kiến hoàn chỉnh vào năm 2021, từ năm 2022 sẽ thực hiện cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo ông Việt Nam xây dựng 3 cấp độ đó có phù hợp không, tiến trình có chậm hay không?
Theo kinh nghiệm của Australia và nhiều quốc gia khác thì đây là quá trình lâu dài, chúng ta không kỳ vọng có thể hoàn thiện trong một sớm một chiều được. Australia phải mất trên 10 năm để hoàn thiện cải cách thị trường điện cạnh tranh. Vấn đề này không giống như con đường mà chúng ta vẽ ra rồi bảo đi theo con đường này là đúng hay sai bởi sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Vì thế, chúng ta chỉ có thể đi theo quy luật phát triển của thị trường . Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm sự minh bạch cho bên bán, bên mua để mọi người cùng tin tưởng vào cuộc cải cách này.
Tình trạng độc quyền tự nhiên hệ thống lưới điện truyền tải được coi là vấn đề khó khăn nhất trong thị trường bán lẻ cạnh tranh. Theo ông, Việt Nam có cách nào để cải thiện điểm yếu này?
Trong lĩnh vực phân phối điện ở Việt Nam thật sự khó bởi nó mang bản chất độc quyền tự nhiên. Cách làm của Australia là cơ quan quản lý đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng, sau đó công bố công khai kết quả thực hiện của các công ty phân phối điện khác nhau. Cho dù họ có độc quyền trong 1 khu vực nào đó thì chúng ta vẫn có thể so sánh được với các công ty phân phối điện khác nhau. Sự công khai như vậy cũng gây áp lực để họ hoạt động trung thực, hiệu quả hơn. Để cân bằng lợi ích trong thị trường điện cạnh tranh cũng cần một trọng tài để cầm cân nảy mực cung cấp thông tin rõ ràng và có thẩm quyền đưa ra những quyết định hết sức khó khăn. Người trọng tài đó chính là cơ quan điều tiết điện lực.
Như vậy, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nằm ở vị trí nào thì phù hợp với thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam?
Lý tưởng nhất là phải có một cơ quan điều tiết độc lập. Nếu như điều đó không xảy ra thì Bộ chủ quản phải trao quyền cho họ tự chủ cao nhất và không nên can thiệp quá sâu vào đó.
Xin cảm ơn ông!