MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Xây tháp truyền hình không dùng tiền ngân sách”

Lãnh đạo VTV lên tiếng về lý do xây tháp truyền hình cao nhất thế giới và nguồn vốn để đầu tư công trình này...

“Tổ hợp dự án tháp truyền hình Việt Nam sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại kết hợp với mục đích truyền hình, viễn thông, khí tượng thuỷ văn, an ninh quốc phòng…, và đặc biệt là công trình không sử dụng vốn ngân sách”.

Đó là khẳng định của Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương ngày 2/4, trước những phản hồi của dư luận cho rằng, Việt Nam là đất nước mới thoát nghèo, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ lại chấp thuận cho xây một công trình tháp truyền hình cao nhất thế giới.

Tại Việt Nam, từ năm 1996, Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng tháp truyền hình. Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1995, VTV đã triển khai các bước nghiên cứu lập dự án đầu tư theo trình tự và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện xây dựng tháp truyền hình gặp khó khăn nên chưa thực hiện được.

Theo ông Lương, gần đây, sau khi xem xét khả năng có thể huy động được nguồn vốn trong, ngoài nước, VTV đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội với diện tích 14 ha, trên nguyên tắc sử dụng nguồn vốn huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 

Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương cho phép VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ động lựa chọn đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư dự án. 

Vốn pháp định của công ty cổ phần được hình thành từ nguồn vốn của VTV, vốn kinh doanh hợp pháp của SCIC và vốn góp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư BRG. Sau khi thành lập, công ty cổ phần sẽ huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn tín dụng để thực hiện đầu tư dự án.

Nikken Sekkei Ltd của Nhật Bản - công ty có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng tháp truyền hình, như tháp Sky Tree của Nhật Bản và các công trình tương tự trên thế giới - được lựa chọn làm đơn vị tư vấn nghiên cứu lập dự án đầu tư cho công trình này.

Theo ông Lương, tổ hợp dự án tháp truyền hình Việt Nam sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu của tư vấn, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí... Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến cao 636 m, với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD.

Dự kiến, công trình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021. Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác. 

Phó tổng giám đốc VTV cho biết, xét về hiệu quả đầu tư, đây là thời gian thu hồi vốn có tính khả thi cao đối với loại hình công trình tương tự trên thế giới.

Cũng theo lãnh đạo VTV, do đây là dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên trong quá trình triển khai dự án, VTV sẽ tuân thủ chặt chẽ trình tự quy định của pháp luật, tiếp thu ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam mới đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi về quy hoạch xây dựng và đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án.

Trao đổi với báo chí ngày 1/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, tháp truyền hình không chỉ phục vụ ngành truyền hình mà còn để thu hút du lịch, điểm nhấn cho phát triển kinh tế. Công trình này không đơn thuần là một trụ tháp mà ở nhiều nước nó được xem như biểu tượng của mỗi quốc gia.

Về chiều cao của công trình được cho là tháp cao nhất thế giới, theo người phát ngôn của Chính phủ, do đây là biểu tượng của đất nước nên việc xây cao hơn các công trình hiện có là điều bình thường. Với lẽ đó, theo ông chủ trương xây dựng tháp truyền hình hoàn toàn đúng đắn và cần được ủng hộ.

>>>Bao nhiêu tiền để xây tháp truyền hình Việt Nam có thể cao nhất thế giới?

Theo Bảo Anh

PV

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên