Xin nhiều ưu đãi để xây sân bay Long Thành
Chính phủ kiến nghị cho dự án được miễn thuế sử dụng đất khu bay; miễn thuế nhập khẩu các thiết bị trong nước chưa sản xuất được…
Khẳng định dự án cần thiết
Tại báo cáo giải trình bổ sung, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh: Cơ sở hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải khi sản lượng hành khách đạt mức 25 triệu vào năm 2016. Phương án cải tạo, nâng công suất của sân bay này không khả thi bởi diện tích giải phóng mặt bằng và số dân phải di dời quá lớn. Trong khi đó sân bay quân sự Biên Hòa lại không thể cải tạo để phục vụ cho hàng không dân dụng do vướng mắc về vị trí địa hình, môi trường.
(>>>Sân bay Long Thành thực sự cần thiết)
Từ những phân tích trên, Chính phủ khẳng định: Việc lập dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành vào thời điểm này là cần thiết. Khi dự án hoàn thiện sẽ khai thác song song cả sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Sử dụng tiền cổ phần hóa
Về nguồn vốn, theo báo cáo, tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Long Thành ở cả ba giai đoạn là 18,7 tỉ USD, riêng giai đoạn 1 là 7,8 tỉ USD. Tổng vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho giai đoạn 1 của dự án sẽ rơi vào khoảng gần 22.000 tỉ đồng.
(Xem thêm: Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành là 18,7 tỷ USD)
Để giảm phần vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ đề nghị QH cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam được sử dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa tổng công ty và các công ty con để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư. Tổng số tiền dự kiến là 5.000 tỉ đồng.
Dự án cũng sẽ sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển ODA (khoảng 47.000 tỉ đồng) để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu và trang thiết bị phục vụ bay. Toàn bộ số tiền này do doanh nghiệp đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ. Ngoài ra sẽ huy động khoảng 92.000 tỉ đồng từ khu vực ngoài Nhà nước bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến như Pháp, Nhật, Hàn Quốc… tham gia đầu tư.
Xin miễn giảm nhiều loại thuế
Theo Chính phủ, để xây dựng sân bay Long Thành thì từ khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi đưa vào khai thác sẽ mất 8-10 năm. Do đó cần thiết phải triển khai công tác chuẩn bị đầu tư ngay từ bây giờ để có thể hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, Chính phủ kiến nghị QH xem xét cho dự án được hưởng một số cơ chế đặc thù như được miễn thuế sử dụng đất khu bay; miễn thuế nhập khẩu cho các trang thiết bị, máy móc mà trong nước chưa sản xuất được (hoặc đã sản xuất được nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án).
Chính phủ cũng đề nghị giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý các khu đất dành cho xây dựng nhà ga hành khách, cùng các công trình liên kết, phụ trợ và không thu tiền sử dụng đất. Tổng công ty được phép dùng quyền sử dụng đất để tham gia góp vốn cho các dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.
Ngoài ra, Chính phủ cũng kiến nghị có chính sách mở rộng miễn thị thực xuất nhập cảnh để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời mở cửa bầu trời, tự do hóa các thương quyền vận chuyển hàng không theo lộ trình cam kết.
Về tác động của dự án đến nợ công, Chính phủ khẳng định: Tác động của các khoản vay để thực hiện dự án lên GDP không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2019 và dự kiến vào khoảng 0,091% vào năm 2022. |
Theo Thành Văn