Xuất khẩu ứng biến với hội nhập sâu
XK tăng nhanh nhưng chưa bền vững là thực tế đang diễn ra trong nhiều năm qua. Liệu XK sẽ có “bứt phá” về chất khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do?
- 22-01-2015Thấy gì khi “hàm lượng FDI” tăng ở cả xuất nhập khẩu trong năm 2014?
- 04-01-2015Những điểm sáng về xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014
- 17-11-2014Tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm của khu vực Đông Nam bộ
- 14-11-2014Bộ Tài chính đề nghị chung tay đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh xuất nhập khẩu
XK được xem là điểm sáng của nền kinh tế trong các năm qua.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới, Việt Nam còn nhiều khó khăn, XK của Việt Nam vẫn tăng trưởng 13-15% thể hiện xu hướng đi ngược chiều so với xu hướng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nhóm hàng “tỷ đô” đã có sự góp mặt của nhiều mặt hàng, từ chỗ chưa đến 10 mặt hàng trong thời gian trước, nhưng hiện đã vượt lên hơn 20 mặt hàng; cơ cấu nhóm hàng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, XK nguyên liệu khoáng sản giảm, nghiêng về công nghiệp chế biến. Đặc biệt, cán cân thương mại duy trì cân bằng sau gần 20 năm nhập siêu.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nhìn nhận, quá trình Việt Nam đạt thặng dư thương mại cộng với dự báo năm 2015 nhập siêu có thể quay lại phản ánh thực trạng XK của Việt Nam ở vị thế bấp bênh, chưa bền vững do bị phụ thuộc.
Sự phụ thuộc này có thể nhìn thấy rõ từ những mặt hàng nông, thủy sản. Trên thực tế, mặt hàng nông sản của Việt Nam không chỉ phụ thuộc nhiều vào thời tiết mà còn phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới. Hiện Việt Nam có nhiều mặt hàng đứng thứ nhất, thứ nhì trên thế giới về XK như gạo, cà phê, tiêu, điều... nhưng lại không thể khống chế thị trường, không phải người quyết định giá mà vẫn phải “chạy” theo giá thị trường thế giới. Do vậy, chỉ cần gặp phải sự biến động nhanh, mạnh, XK sẽ chịu tác động lớn.
Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch XK của cả nước nhưng giá trị gia tăng đem lại cho Việt Nam lại rất thấp, nguyên nhân chính là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Ông Hải nêu dẫn chứng, một đôi giầy Nike được sản xuất tại Việt Nam, có giá bán trên thị trường thế giới là 70 - 100 USD nhưng giá trị thu về cho Việt Nam chỉ khoảng 5 - 10 USD, hoặc chỉ hơn 10%.
Nguyên nhân là do phần lớn các giá trị nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ… đều NK, trong khi giá trị đóng góp của DN Việt Nam chỉ là nhân công, đầu tư nhà xưởng, nên giá trị để lại của Việt Nam đều rất thấp. Điều này thể hiện tính thiếu bền vững của XK.
Cục Xúc tiến thương mại nguồn lực có hạn, kinh phí xúc tiến thương mại hằng năm chỉ trên dưới 100 tỷ/năm là quá nhỏ so với 300 tỷ USD XNK hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, ý thức của các hiệp hội, ngành hàng và DN lớn rất quan trọng trong công tác này.
Ông Võ Trí Thành
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương
Thêm nữa, cơ cấu kim ngạch XK của Việt Nam bị phụ thuộc vào một số nhóm hàng, thị trường, trong khi những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam lại không mang về giá trị gia tăng cao.
Nhóm hàng nông, lâm thuỷ sản vốn có là thế mạnh của Việt Nam, phần lớn do các DN Việt Nam sản xuất, tuy nhiên, tổng giá trị thu về lại không bằng một ngành hàng điện thoại, tập trung chủ yếu ở một nhà sản xuất. “Tổng kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 19 - 20 tỷ USD, trong khi kim ngạch XK của điện thoại đạt tới 23,6 tỷ USD”, vị đại diện của Cục XNK cho biết.
Đánh giá “năm 2015, XK cực kỳ khó khăn” của ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương với lý do không còn sự “bốc đồng” của Samsung, giá cả giảm mạnh... phần nào nói lên sự khó khăn của XK xuất phát từ nội tại.
Chưa kể đến, năm 2015 Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng hơn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) quan trọng với các đối tác thương mại chủ chốt như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan (bao gồm ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác (ASEAN+6)...
Những hiệp định này sau khi ký kết và thực thi sẽ mở ra những cơ hội lớn cho XK Việt Nam trong việc tiếp cận, khai thác các thị trường XK lớn. Đây là một trong những yếu tố “hy vọng” để thiết lập XK bền vững.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, gắn với những nỗ lực cải cách nền kinh tế, hoạt động XK của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để mở rộng tiềm năng XK. Do đó, theo ông Võ Trí Thành, các DN cần phải tận dụng tốt những thuận lợi hoá thương mại trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm… để thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Một yếu tố quan trọng trong năm 2015 cũng như trong dài hạn để tiếp cận, mở rộng thị trường đẩy mạnh XK là công tác xúc tiến thương mại. Theo đánh giá của ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường và khách hàng để đẩy mạnh XK ngày càng đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế và thậm chí ngay trên thị trường nội địa khi chúng ta phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường.
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 triển khai theo hướng chú trọng các thị trường XK trọng điểm, mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi.
Bà Nguyễn Trần Như Hoa, Giám đốc Marketing Tập đoàn UPS Việt Nam:
Nhiều chuyên gia dự đoán XK sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. XK tăng mạnh đồng nghĩa với việc dịch vụ logictics cũng phát triển mạnh. Phát triển chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp cho DN Việt Nam gia tăng giá trị hàng XK, đặc biệt là các DN có vai trò nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay như mặt hàng may mặc và giày dép là 2 trong số những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam hoàn toàn có thể tạo thêm nhiều giá trị hơn nữa thông qua phát triển các chuỗi cung ứng.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Việt Nam tham gia các FTA, cơ hội cho ngành dệt may cũng rất lớn. Bên cạnh những cơ hội là những thách thức đặt ra cho ngành. Đặc biệt, vấn đề quy tắc xuất xứ (TPP là từ sợi trở đi, còn FTA khác là từ vải). Chúng tôi mong muốn các bước đàm phán của Chính phủ làm sao thực tế ngành dệt may để DN có thời gian phát triển. Bên cạnh đó là các điều kiện về môi trường kinh doanh, pháp lý… để thuận lợi hóa về thương mại. Ngoài ra, cần có chương trình xúc tiến trọng điểm quốc gia giúp DN có cơ hội tiếp cận thị trường mới. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước cũng cần tăng cường vai trò để làm sao tận dụng được cơ hội từ các FTA, để khi đàm phán TPP xong DN có thể tận dụng ngay.
Về sự chuẩn bị của ngành, vấn đề xuất xứ phải được tính đến đầu tiên. Dệt may đang nỗ lực để có chuỗi cung ứng trong nước và tham gia chuỗi cung ứng thế giới, nếu làm GMT (gia công thuần túy) thì thường bị động, thường bị khách hàng “dẫn” dắt. Vì thế, chúng ta phải lựa chọn những nhánh, ngách thị trường thích hợp. Để sao cho từ GMT chuyển sang FOB và ODM, kết hợp với các nhà thiết kế tạo ra những cái riêng, chào bán cho khách hàng.
Ông Ton Willemse, chuyên gia Tổ chức hỗ trợ NK từ các nước đang phát triển (CBI Hà Lan):
Tham gia hội chợ, triển lãm là một trong những cách để DN mở rộng thị trường, khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình quan sát DN Việt Nam tham gia hội chợ Vietnam Expo lần thứ 25 tôi thấy rằng, gian hàng của DN quá nhiều thứ, trong khi chữ lại nhỏ. Khách hàng họ lướt nhanh, nên DN cần làm cho gian hàng nổi bật, thu hút sự quan tâm. Điều quan trọng là DN phải xem sản phẩm của mình có gì khác biệt để khi trao đổi với đối tác có thể nêu ra ngay.
P.T (ghi)
>>>Thu thuế xuất nhập khẩu vượt dự toán
Theo Phan Thu