Xuất siêu, chưa vội mừng
Trong bối cảnh nhiều năm nhập siêu bị coi là một trong những nguyên nhân gây mất cân đối kinh tế vĩ mô thì hai tháng liên tiếp xuất siêu vừa qua quả là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa thể ăn mừng.
Vẫn do đóng góp của doanh nghiệp FDI
Theo số liệu từ Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp thương mại của Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong đó xuất siêu đạt hơn 1,67 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu và nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao hơn xuất khẩu và nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước; đóng góp đáng kể vào việc cải thiện cán cân thương mại:
Nếu tính cả dầu thô, khối này xuất siêu 2,97 tỷ USD trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD.
Trong 17,296 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của 2 tháng, khối FDI có 9,238 tỷ USD, khối trong nước 8,057 tỷ USD. Trong 18,972 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, khối trong nước có 6,765 tỷ USD, khối FDI gần gấp đôi với 12,206 tỷ USD
Ngoài việc nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu giảm và nhóm cần thiết nhập khẩu tăng chậm đã góp phần nới rộng khoảng cách tạo ra xuất siêu, thì các số liệu cũng cho thấy đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng xuất khẩu là mặt hàng điện thoại di động và linh kiện của các doanh nghiệp FDI. Trong đó dẫn đầu là mặt hàng điện thoại di động của Samsung có mức đóng góp tới hơn 2,67 tỷ USD trong hai tháng.
Chưa bền vững
Phân tích về con số xuất siêu này, chuyên gia kinh tế Đặng Minh Phong đặc biệt lưu ý 3 điểm: Một là xuất siêu tháng 2 cao hơn tháng 1, nhưng tổng xuất khẩu tháng 2 lại thấp hơn tháng 1 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 2 chỉ bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước và thậm chí chỉ bằng 65,3% so với tháng 1 của năm 2013. Hai là giá trị các mặt hàng xuất siêu không cao, chủ yếu là hàng gia công nhập khẩu. Cuối cùng xuất siêu một phần phụ thuộc vào tác động của việc tăng xuất khẩu vàng và giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu sau Tết.
Một số ý kiến cũng cho rằng nhìn toàn cảnh xuất nhập khẩu 2 tháng vừa qua, những yếu tố gây nhập siêu lâu nay như cơ cấu hàng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hàng xa xỉ kém, nhất là nhập siêu từ các thị trường châu Á vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi tích cực. Một khi nền kinh tế thế giới phục hồi sẽ lại trở thành nguyên nhân đe dọa cán cân xuất nhập khẩu.
Và dù coi con số 1,67 tỷ USD xuất siêu là một “tín hiệu tốt”, thì đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Cục phó Cục XNK vẫn phải thừa nhận xuất siêu chưa thể bền vững.
Bởi “Trước mắt đối với các doanh nghiệp FDI, nhiều mặt hàng linh kiện được đầu tư mạnh, đang có đà phát triển nên khả năng khối doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Còn khối doanh nghiệp nội đang trong bối cảnh kinh doanh sản xuất khó khăn chung sẽ hạn chế nhập khẩu nguyên liệu, làm giảm tỷ trọng nhập siêu của khối này.
Do đó năm 2013 khả năng lớn sẽ xuất siêu. Nhưng khi kinh tế thế giới tốt hơn, doanh nghiệp nội phục hồi sẽ tăng nhập khẩu, ngược lại công suất của các doanh nghiệp FDI chạm ngưỡng thì khả năng xuất khẩu sẽ chững lại. Khi đó, hoặc trở lại nhập siêu hoặc tích cực hơn là sẽ cân bằng cán cân thương mại.”
Thanh Uyên