MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xung lực phát triển cho giai đoạn mới

Trong năm 2015, năm cuối của kế hoạch 5 năm  2011-2015, trên cả nước, nhiều công trình, dự án phục vụ quốc kế, dân sinh hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây chính là những dấu nối tạo xung lực cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

1. Đưa vào khai thác 3 dự án trọng điểm quốc gia tại Hà Nội

Mở đầu năm mới 2015, sáng ngày 4/1, Bộ GTVT tổ chức khánh thành 3 công trình, gồm: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân, với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỉ đồng.

Đây là những dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

2. Sáng 31/1, dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Thanh Hóa-Hà Tĩnh có chiều dài 315 km đi qua 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với vốn đầu tư 19.909 tỉ đồng được khánh thành.

Về đích trước 1 năm sau gần 2 năm triển khai, dự án góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và các địa phương trên nói riêng.

3. Sáng 7/2, một loạt cây cầu, gồm Năm Căn, Kênh Cái Tắt, Sáu Nạn, Trại Lưới và đoạn tuyến Năm Căn-Đất Mũi (Cà Mau) được đưa vào hoạt động.

Các công trình này bắt đầu sứ mệnh nối liền hệ thống đường bộ trong cả nước, trước hết là QL 1, từ địa đầu Tổ quốc tới mũi Cà Mau.

4. Ngày 8/2, tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam được thông xe .

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài 55 km đi qua địa phận TPHCM và tỉnh Đồng Nai, là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TPHCM- Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.

5. Đảm bảo điều kiện sống an toàn cho 1 triệu dân ĐBSCL

Ngày 10/4, tại Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị tổng kết chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (2001-2008) với tổng số vốn gần 5.770 tỉ đồng, chương trình  được các đối tác đánh giá là hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Ngày 26/8/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 (kết thúc vào 31/12/2014) với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân thuộc 7 tỉnh, thành phố Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ.

Đến nay, đã có 49.540/56.510 hộ dân thụ hưởng được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến, bờ bao (đạt 88%).

Tính chung cả hai giai đoạn, hơn 200.000 hộ dân, tương đương 1 triệu người đã có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định.

6. Sáng 16/5, cầu Cổ Chiên (nối Bến Tre - Trà Vinh), một trong 4 cầu lớn trên QL 60, là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa QL 60 với các tuyến quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía Đông ĐBSCL (gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) đã được thông xe.

Việc đưa vào sử dụng cầu Cổ Chiên sẽ rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đến Trà Vinh, góp phần hình thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ.

7. Mở cánh cửa xuất khẩu vaccine “Made in Việt Nam”

Ngày 22/6, Bộ Y tế  tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ “Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine” của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO (gọi tắt là tiêu chuẩn NRA).

Sau 14 năm chuẩn bị (từ 2001), đến nay Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 37 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vaccine trên thế giới.

Việc đạt chứng nhận NRA là bước tiến quan trọng của ngành y tế nước ta, mở cánh cửa xuất khẩu vaccine “Made in Việt Nam”.

8. Khai thác tàu bay thế hệ mới Airbus 350-900

Ngày 2/7, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Vietnam Airlines tổ chức buổi lễ tiếp nhận tàu bay thế hệ mới Airbus 350-900.

Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Vietnam Airlines, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á và là hãng thứ hai trên thế giới, sau Qatar Airways, khai thác máy bay A350.

9. Khánh thành tuyến đường huyết mạch qua Tây Nguyên

Ngày 11/7,  dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên - Bình Phước có tổng chiều dài 663 km, bắt đầu từ huyện Đắk Zôn (Kon Tum) đến huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã về đích sớm 1 năm so với tiến độ.

Đây là một trong 5 công trình trọng điểm quốc gia, là tuyến đường xuyên Việt thứ hai, phá thế độc đạo của QL 1, cùng với Quốc lộ 1 giữ vai trò trục đường xương sống Bắc-Nam, tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông-Tây và cùng với đường xuyên Á, tạo sự thông thương với các nước láng giềng.

10. Ngày 17/9, tại khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 tổ chức lễ khánh thành.

Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW, trong đó tổ máy 1 vận hành thương mại từ 31/12/2014, tổ máy số 2 từ 12/5/2015.

Là dự án nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhà máy cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỉ kWh/năm.

11. Chủ động 2/3 nhu cầu phân bón DAP

Sáng 7/11, Nhà máy sản xuất phân bón DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm tại KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã được khánh thành.

Như vậy, từ nay, cùng với nhà máy DAP số 1 tại Hải Phòng, Việt Nam chủ động được 2/3 sản phẩm DAP hằng năm.

12. Chiều 5/12, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được khánh thành sau 7 năm xây dựng.

Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế đạt 120 km/giờ, mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp…

Với việc khánh thành và đưa vào sử dụng công trình này, thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng chỉ còn khoảng 45-50 phút.

13. Ngày 10/12, gần như cùng thời điểm với việc Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới (COP 21) thông qua thỏa thuận lịch sử - Thỏa thuận Paris, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố nghiên cứu khoa học về “Công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam”.

Đó là công nghệ đốt than trộn giữa than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy, làm giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ.

Quá trình thí nghiệm thực hiện tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình với kết quả nhận được là tích cực: Hiệu suất cháy đã tăng 1%, có trường hợp tăng tới 5% mà theo tính toán, chỉ cần tiết kiệm 1% nhiên liệu, chỉ tính riêng các nhà máy điện, Việt Nam sẽ giảm được 333.000 tấn than.

14. Hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 05

Sáng 13/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước tới nay mang tên "Tam Đảo 05" phục vụ khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông đã được hạ thủy.

Giàn Tam Đảo 05 có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120 m và khả năng khoan tới mỏ dầu khí ở độ sâu 9 km.

Đây là giàn khoan thứ hai do Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện sau giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) đưa vào sử dụng hiệu quả cách đây gần 3 năm.

15. Ngày 14/12, Tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu đã hoà điện lần đầu thành công vào lưới điện quốc gia.

Tổ máy số 1 có công suất 400 MW được lắp đặt ngày 14/10/2015. Việc hòa điện thành công của Tổ máy số 1 vào lưới điện quốc gia đánh dấu mốc tiến độ mà dự án đã đạt được, hướng tới hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, về đích sớm hơn 1 năm so với tiến độ được phê duyệt.

Nhà máy thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (3x400) được khởi công xây dựng ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Nậm Nhùn. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia hơn 4,67 tỉ kWh/năm.

 

Theo Thùy Linh

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên