Vị nguyên soái Liên Xô cuối cùng được ông Putin tặng đồng hồ là ai?
Trong đời binh nghiệp, Dmitry Yazov đã từ người lính trở thành vị Nguyên soái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của một cường quốc.
“Người quê Yazovo” là tiêu đề một bài báo trên tờ Sao Đỏ (Krasnaya Zvezda) năm 1985 do nhà báo quân đội Gennady Kashuba viết về vị Đại tướng không mấy nổi danh lúc bấy giờ là Dmitry Timofeevich Yazov - Tư lệnh Quân khu Viễn Đông. Không rõ có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng ngay sau khi bài báo được đăng (những tài liệu nội dung tương tự trên báo Sao Đỏ phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý) Yazov được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ (GUK), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nhân sự. Đây đã là chiếc ghế cao cấp của giới quân sự, sau đó chỉ có thể là ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tân binh Dmitry Yazov tham gia Chiến tranh Vệ quốc; Nguồn: tvzvezda.ru
Và điều đó đã xảy ra. Yazov chỉ ngồi ghế “nóng” bốn tháng. Khi Matthias Rust hạ cánh chiếc máy bay thể thao Cessna của mình gần Quảng trường Đỏ ngày 28/5/1987, Nguyên soái Sergei Sokolov mất chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Quá trình tìm kiếm nhân sự thay thế diễn ra không lâu - ngày 30/5, Đoàn Chủ tịch Liên Xô Tối cao Liên Xô đã bổ nhiệm Dmitry Yazov làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thật bất ngờ cho nhiều người, kể cả cho chính ông - người không có thời gian để thực sự ổn định ở vị trí người đứng đầu GUK.
Tại sao ông được chọn, bây giờ rất khó để đánh giá, bởi vì có những ứng cử viên khác (ít nhất là ba Thứ trưởng thứ nhất và mười Thứ trưởng thường khác). Thượng tướng Vladimir Lobov - Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, được coi là rất có triển vọng vào thời điểm đó (Mikhail Gorbachev từng giao cho ông này khởi thảo cải cách quân sự, trong đó bao gồm, giảm thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự xuống còn 18 tháng), nhưng rõ ràng “trọng lượng” không đủ. Về sau, Yazov và Lobov không đồng quan điểm phát triển quân sự và Lobov phải “ngồi chơi xơi nước" trong một thời gian dài.
Không phải mọi thứ đều suôn sẻ với ngay cả Dmitry Yazov ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời kỳ đó rất khó khăn đối với đất nước và quân đội - khi người ta đã đưa ra quyết định chính trị về giảm vũ khí hạt nhân, mà Yazov không đồng ý. Việc chấn chỉnh quân đội, chuẩn bị cho việc rút các nhóm quân Liên Xô khỏi Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan và Mông Cổ đã đè nặng lên vai ông. Việc rút quân khỏi Afghanistan, được thực hiện trong hai giai đoạn vào năm 1988 và 1989, cũng rơi vào thời gian làm Bộ trưởng của ông.
Dmitry Yazov trở thành Nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguồn: ТАSS
Dmitry Yazov không khác biệt khéo léo, không có được các kỹ năng của một cận thần, hành xử kiểu con nhà binh và thẳng tính. Có lẽ đó là lý do tại sao 3 năm đầu ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Yazov vẫn đeo quân hàm Đại tướng, trái với truyền thống có từ năm 1935 là người đứng đầu Bộ Quốc phòng mang hàm Nguyên soái Liên Xô. Hàm Nguyên soái ông được đeo vào tháng 4/1990 và đấy cũng là lần phong hàm Nguyên soái cuối cùng trong lịch sử Liên Xô.
Trước Yazov, một nguyên soái Liên Xô là Vasily Ivanovich Petrov, người đã qua đời vào ngày 1/2/2014, ở tuổi 98. Và có cả một loạt Nguyên soái danh tiếng như Voroshilov, Budyonny, Rokossovsky, hay Napoleonic - Murat, Davout, Berthier - những người mà tài năng chỉ huy quân sự xuất chúng được nghiên cứu học tập tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô. Petrov và Yazov nghe có vẻ khiêm tốn hơn.
Đôi khi, Dmitry Yazov đã gọi đùa là đồng nghiệp của mình là “Thiếu tá Petrov”, nhớ lại bài thơ nổi tiếng “Con trai của chiến sỹ pháo binh” của Konstantin Simonov. Hai cựu chiến binh, anh hùng, có thể cho phép mình đùa với nhau như vậy. Yazov từng là cấp phó của Vasily Petrov - Tư lệnh Quân khu Viễn Đông, nhưng về sau, Petrov là cấp dưới của Dmitry Timofeevich với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Họ cũng là những thiếu tá - Petrov nhận quân hàm trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, còn Yazov - muộn hơn về sau.
Gọi cả hai vị nguyên soái là Anh hùng, nhưng Dmitry Yazov không bao giờ được trao tặng danh hiệu Anh hùng. Vasily Petrov đã được trao Anh hùng Liên Xô năm 1982, nhưng không phải vì thời gian ở Afghanistan hay Ethiopia - nơi ông lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự, mà có liên quan đến sự kiện tại Đảo Damansky vào năm 1967. Khi đó, bằng một quyết định táo bạo, không xin ý kiến Moscow, ông đã ra lệnh sử dụng tên lửa phóng loạt Grad, giúp cứu tình hình trên đảo. Người ta cũng muốn đề nghị phong anh hùng cho Dmitry Yazov vì thành tích chiến đấu ở Afghanistan, nhưng ông đã từ chối. Danh hiệu cao quý đó (1988) thuộc về Đại tướng Valentin Varennikov - người lúc đó đứng đầu Đoàn quản lý của Bộ Quốc phòng Liên Xô tại Afghanistan.
Câu chuyện trên được nhà báo quân đội - Thiếu tướng Gennady Kashuba, người cũng là phó tổng biên tập của báo Sao Đỏ, và đứng đầu trung tâm báo chí của Bộ Quốc phòng Liên Xô dưới thời Yazov kể lại. Gennady Kashuba dù ở vị trí “thư ký báo chí cá nhân”, đã thân thiện với vị Nguyên soái và duy trì mối quan hệ tốt với ông cho đến khi qua đời (1937-2012). Số điện thoại nhà của Dmitry Timofeevich, hiện đang sống ở Moscow trên đường Alexander Nevsky, đã được góa phụ của Tướng Kashuba Klara Pavlovna cho biết. Tuy nhiên, để được gặp Nguyên soái vào đêm trước sinh nhật lần thứ 95 của ông (tháng 11/2019), các nhà báo đã không thành công.
Năm năm trước, khi bước sang tuổi 90, Dmitry Yazov được Tổng thống Putin chúc mừng và ông vẫn còn khỏe để đến Điện Kremlin. Ở đó, Dmitry Yazov đã được trao tặng Huân chương Alexander Nevsky và một chiếc đồng hồ vì đã có công “tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước và thành tích xuất sắc trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Không còn Liên Xô, không còn quân hàm Nguyên soái trong quân đội Nga. Chỉ còn một vị Nguyên soái cuối cùng của một thời đã qua - Dmitry Timofeevich Yazov - người con của một gia đình nông dân ở làng Yazovo gần Omsk, người trong đời binh nghiệp đã đi từ người lính trên chiến hào đến cương vị Nguyên soái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của một cường quốc./.
VOV