Vì sao 1.000 tỷ đồng thuế VAT của doanh nghiệp ngành sắn bị chậm hoàn?
Do không có chức năng điều tra ban đầu nên ngành thuế đã nhờ cơ quan điều tra xác định thông tin chính xác về doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu. Sau khi có kết quả điều tra, nếu doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), ngành thuế sẽ chủ động hoàn thuế. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục trao đổi với cục thuế địa phương về vấn đề này.
- 15-09-2022Khi nào giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?
- 15-09-2022Tổng cục Thuế nhận diện các hành vi trục lợi trong hoàn thuế VAT
- 08-09-2022Phó Thủ tướng: Xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu
Đó là khẳng định của đại diện Tổng cục Thuế với kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) tại đối thoại chính sách thuế, hải quan năm 2022.
Tại đối thoại, ông Phạm Vũ Hà - Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam - cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế có công văn gửi cục thuế địa phương rà soát khách hàng Trung Quốc đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT của doanh nghiệp. Các cục thuế địa phương căn cứ vào chỉ đạo này để xác minh khách hàng, người mua hàng từ Trung Quốc, dẫn đến dừng hoàn tiền thuế VAT của doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Tính đến thời điểm này, số thuế VAT của ngành sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Hà nhấn mạnh câu chuyện này đã kéo dài hơn 2 năm. Hiệp hội Sắn và doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có 3 văn bản chỉ đạo. Nhưng đến nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời cụ thể khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, cơ quan thuế địa phương lúng túng.
“Việc hoàn thuế VAT nếu không được tháo gỡ khiến ngành sắn nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn cơ quan liên quan có thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho ngành”, ông Hà kiến nghị.
Doanh nghiệp sắn phản ánh chưa được hoàn thuế VAT đến cả nghìn tỷ đồng (ảnh minh họa).
Trả lời kiến nghị này, Tổng cục Thuế cho biết, vừa qua, cơ quan thuế nhận thấy dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế VAT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang nước ngoài. Theo đó, hồ sơ không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế như: Một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế…
“Ngành thuế không có chức năng điều tra ban đầu nên không xác định được số lượng doanh nghiệp, nguyên liệu thế nào. Chúng tôi nhờ cơ quan điều tra xác định giúp. Nếu xác định đúng thì chúng tôi chủ động hoàn thuế”, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Thuế - nói và cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với cục thuế địa phương để hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định.
Liên quan đến việc hoàn thuế xuất khẩu tinh bột sắn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, có 2 loại “hoàn trước kiểm sau” và “kiểm trước hoàn sau”. Khi có rủi ro, hệ thống sẽ tự xác định kiểm trước hoàn sau nên doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với cơ quan thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, đối với các công ty đã có kết quả trả lời của cơ quan công an thì ngay lập tức cho hoàn thuế VAT. Theo đó, đối với các công ty khác, chỉ căn cứ vào các điều kiện hoàn thuế VAT để hoàn thuế. Không thể bắt các công ty Việt Nam phải chịu trách nhiệm với cái sai (nếu có) của doanh nghiệp nước ngoài vì pháp luật không có quy định.
“Ngành thuế có thể nghi ngờ doanh nghiệp nhưng không thể không tin vào số liệu của ngành hải quan; có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật. Còn sau này, phát hiện ra doanh nghiệp nào sai phạm, chiếm đoạt tiền thuế thì đề nghị xử lý thật nghiêm”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Trước đó, vào tháng 3, có 42 doanh nghiệp trong Hiệp hội Sắn Việt Nam đồng loạt ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tiền phong