MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Amkor chọn Việt Nam là 'cứ điểm' sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới?

Tỉnh Bắc Ninh có cơ sở hạ tầng tốt, đáp ứng được những điều kiện “đặc biệt” và thủ tục hành chính giảm 1/3 thời gian, Bắc Ninh có hạ tầng thuộc loại tốt nhất ở Đông Nam Á... là một trong những lý do Tập đoàn Amkor chọn tỉnh này là “cứ điểm” sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Đáp ứng điều kiện "đặc biệt"

Trao đổi với PV Tiền Phong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn - chia sẻ rằng địa phương đã đáp ứng điều kiện “đặc biệt” của Tập đoàn Amkor. Trước hết, Bắc Ninh có vị trí thuận lợi, gần sân bay và cảng biển, môi trường đầu tư hấp dẫn. Cơ sở hạ tầng của tỉnh Bắc Ninh đặc biệt thuận lợi. Người Bắc Ninh có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo.

Ông Tuấn cho rằng, một nguyên nhân quan trọng để Tập đoàn Amkor lựa chọn đầu tư ở Bắc Ninh là tỉnh này có hệ sinh thái công nghiệp điện tử thuận lợi cho phát triển sản xuất bán dẫn. Trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư của Tập đoàn Amkor, tỉnh Bắc Ninh tiến hành đàm phán ngày đêm với tập đoàn, kể cả trong thời điểm dịch COVID - 19 bùng phát.

“Chúng tôi làm mọi biện pháp để mời Tập đoàn Amkor sang trực tiếp tỉnh Bắc Ninh thăm cơ sở hạ tầng để quyết định đầu tư, tạo các điều kiện thuận lợi nhất giúp tập đoàn tìm hiểu chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi theo pháp luật và quy định của Nhà nước”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, tỉnh Bắc Ninh đáp ứng nhu cầu “đặc biệt” về hạ tầng để Tập đoàn Amkor triển khai ngay dự án, như cung cấp hệ thống 2 nguồn điện, hệ thống nước sạch với công suất 18.000 m3/ngày đêm, khí ni-tơ đảm bảo hoạt động sản xuất, điều kiện về xử lý môi trường.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dự khánh thành nhà máy của Tập đoàn Amkor ở Khu công nghiệp Yên Phong II - C (Bắc Ninh).

Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện hỗ trợ Tập đoàn Amkor làm việc các bộ, ngành Trung ương thuận lợi nhất, các thủ tục giảm 1/3 về mặt thời gian.

“Lãnh đạo Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam cho biết, dự án của Tập đoàn Amkor ở Bắc Ninh triển khai với tốc độ nhanh nhất trong các dự án của tập đoàn này trên toàn thế giới . Tất cả các thủ tục hành chính giảm còn 1/3 thời gian. Các thủ tục hành chính được tỉnh Bắc Ninh làm rất chuyên nghiệp. Bắc Ninh có hạ tầng thuộc loại tốt nhất ở Đông Nam Á”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn nhấn mạnh việc nhà máy của Tập đoàn Amkor ở Bắc Ninh đi vào hoạt động sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn.

“Đây là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo, qua đó, tạo hiệu ứng, lan toả để thu hút các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những cứ điểm về sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới”, ông Tuấn nhận định.

Ông Tuấn cho biết thêm, để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, tỉnh Bắc Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên học cao đẳng, đại học trên địa bản tỉnh, tạo hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ cao và bán dẫn . Thời gian tới, HĐND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao và bán dẫn.

Cứ điểm sản xuất bán dẫn quan trọng

Trao đổi với PV Tiền Phong , PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật - Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội - nhận định, việc Amkor lựa chọn Bắc Ninh để đặt nhà máy có thể là xuất phát từ 3 lý do quan trọng: Bắc Ninh trong chuỗi giá trị bán dẫn hiện tại, vị trí địa lý chiến lược của Bắc Ninh, tương lai thành công và phát triển.

Theo ông Thuật, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp phát triển và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn, trong đó phải kể đến các nhà máy sản xuất của Samsung. Các linh kiện bán dẫn sau khi đóng gói sẽ phải được sử dụng trong thiết bị cuối, trong đó có điện thoại thông minh hay màn hình. Bắc Ninh đã có hai nhà máy của Samsung cùng với các nhà máy công nghiệp phụ trợ cung cấp các loại vật tư vật liệu đầu vào cho công nghiệp bán dẫn. Do đó, Amkor lựa chọn Bắc Ninh gần như là tất yếu.

Nhà máy sản xuất bán dẫn của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Thuật cho rằng vị trí địa lý của Bắc Ninh có thể nói là duy nhất. Bắc Ninh giáp với Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Giang, đồng thời tới Thái Nguyên rất thuận lợi với quốc lộ 3. Nếu không tính Hà Nội thì Bắc Ninh gần như ở vị trí trung tâm của các khu công nghiệp lớn. Chỉ cần giao thông đảm bảo thì vị trí của Bắc Ninh là lý tưởng cho mọi nhà đầu tư, trong đó có đầu tư vào công nghiệp đóng gói linh kiện bán dẫn, đặc biệt là thu hút nhân lực chất lượng cao.

“Sự phát triển trong tương lai gần của Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh thành lân cận nói chung là rất tốt. Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, công nghiệp bán dẫn cũng ảnh hưởng, tuy nhiên sự quan tâm của các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ tới Việt Nam là một yếu tố quan trọng khiến tiềm năng phát triển của công nghiệp bán dẫn trong tương lai gần là chưa bao giờ lớn như vậy”, PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật chia sẻ.

Trước đó, tại buổi lễ khánh thành nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, bà Susan Y.Kim - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amkor Technology - khẳng định việc phát triển nhà máy Amkor tại Bắc Ninh nằm trong kế hoạch chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam.

Nhà máy bán dẫn công nghệ cao tại Bắc Ninh là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu. Tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công ty Amkor Technology, Inc (Amkor) tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang và ông JONGRIP JI - Chủ tịch Công ty Amkor đã ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C, có tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD (đến năm 2035), với diện tích khoảng 23 ha.

Theo Nguyễn Thắng

Tiền Phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên