MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bạn mãi chưa thể đa dạng hóa nguồn thu? Chia sẻ của 2 bạn trẻ này chính là câu trả lời

11-02-2024 - 06:05 AM | Lifestyle

Công việc “tay trái” mang lại cho Ngọc Hạnh khoản tiền 8 triệu/tháng, còn với Phan Thành, con số đó là 25 triệu.

Trải qua một năm 2023 với nhiều khó khăn trong cả vấn đề kinh tế lẫn việc làm, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng sống dựa vào một nguồn thu từ lương là quyết định có phần mạo hiểm.

Đa dạng hóa nguồn thu, hay nói cách khác là có nhiều công việc cùng lúc là mục tiêu lẫn mong muốn chung của phần lớn mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng có người thành công, cũng có người loay hoay mãi vẫn chưa tìm được việc "tay trái" nào phù hợp.

Vậy đâu là điều tạo ra sự khác biệt giữa hai nhóm người này? Lắng nghe câu chuyện của Ngọc Hạnh và Phan Thành có thể sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời đấy.

Ngọc Hạnh (28 tuổi): Không ngừng học để luôn trong tâm thế sẵn sàng "đón job"

Trong suốt 3 năm Trung học Phổ thông, Ngọc Hạnh là học sinh chuyên Văn. Tới khi lên Đại học, chuyên ngành của Hạnh vẫn cứ liên quan đến con chữ. Bản thân Hạnh chưa bao giờ hoài nghi về niềm đam mê viết lách của mình, nhưng cô bạn này cũng hiểu rằng nếu chỉ tập trung viết lách, chẳng biết bao giờ mới "thoát nghèo" cho được.

Vì sao bạn mãi chưa thể đa dạng hóa nguồn thu? Chia sẻ của 2 bạn trẻ này chính là câu trả lời- Ảnh 1.

Ngọc Hạnh

Chính bởi suy nghĩ này mà ngay từ khi còn là sinh viên năm 3 khoa PR và Quảng cáo của Học viện Báo chí Tuyên truyền, Ngọc Hạnh đã đặt mục tiêu trở thành một "Marketer full-stack" - hiểu nôm na là người vừa có đủ khả năng làm SEO, content, chạy ads tới lập kế hoạch truyền thông, tối ưu hiệu quả các chiến dịch truyền thông.

Để mục tiêu không chỉ là suy nghĩ trong tâm tưởng, ngoài việc tập trung tiếp thu các kiến thức ở trường Đại học và tích lũy kinh nghiệm từ công việc part-time đúng chuyên ngành, Hạnh còn đi học thêm rất nhiều kỹ năng khác.

"Mình học thiết kế để có thể sử dụng Photoshop, Adobe Illustration ở mức độ căn bản. Việc này giúp mình có thể tự thiết kế banner, logo hay bộ nhận diện thương hiệu cho nhãn hàng. Đương nhiên là kỹ năng của mình không thể đỉnh bằng các bạn dành 4-5 năm để học thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, nhưng nếu so sánh với dân chuyên content thì mình khá tự tin là khả năng thiết kế của mình hơn nhiều người" - Ngọc Hạnh chia sẻ.

Ngoài các khóa học thiết kế hình ảnh, Ngọc Hạnh còn học dựng video, học chạy Ads Zalo/Facebook/Shopee. Việc học này của Hạnh trải dài trong suốt 4 năm, kể từ khi cô bạn này tốt nghiệp đại học cho tới khi chính thức tìm được một công việc tay trái mang lại mức thu nhập tối thiểu 8 triệu/tháng.

"Mình cứ vừa làm việc để tích lũy kinh nghiệm, vừa học để trau dồi khả năng. Cách đây 2 năm, đúng đợt dịch Covid- 19 đang căng thẳng ấy, nhờ người quen giới thiệu nên mình tìm được một công việc tay trái. Mình cũng không biết gọi đây là công việc gì nữa, vì thực sự nó không tập trung vào một kỹ năng nào cụ thể.

Mỗi ngày mình sẽ chịu trách nhiệm lên 1 post trên Fanpage, dựng 2 video TikTok dài tối thiểu 30 giây và tối đa 90 giây, đồng thời chạy ads trên Shopee. Đó là một cửa hàng thời trang thiết kế, cũng khá có tiếng. Lương mình nhận được từ công việc này là 4 triệu/tháng cho 2 đầu việc liên quan tới Fanpage và TikTok; ngoài ra còn 2% doanh thu từ việc chạy ads. Trung bình mỗi tháng, công việc này mang lại cho mình khoảng 8 triệu đồng" - Ngọc Hạnh chia sẻ.

Vì đã có kiến thức và cơ hội thực hành các kỹ năng này từ khi còn là sinh viên năm 3, nên Ngọc Hạnh không tốn nhiều thời gian để hoàn thành các đầu việc "tay trái" này. Cô bạn cho biết chỉ cần khoảng 1,5-2 tiếng/ngày là bản thân sẽ "xử đẹp" hết các deadlines của nguồn thu thứ 2.

Phan Thành (30 tuổi): Xây dựng thương hiệu cá nhân để công việc tự tìm đến mình

Hiện tại, Phan Thành đang là trưởng phòng Truyền thông cho một Bệnh viện tư ở Hà Nội. Ngoài công việc chính này, Thành còn đảm nhận vai trò tương tự cho một Spa và một chuỗi cửa hàng bán điện thoại, laptop. Đây chính là 2 công việc tay trái, mang lại cho Thành khoản thu nhập 25 triệu/tháng.

"Mình mất 3 tháng để tìm được 2 công việc tay trái này, mà thực ra công việc tự tìm đến mình thì đúng hơn" - Thành chia sẻ.

Vì sao bạn mãi chưa thể đa dạng hóa nguồn thu? Chia sẻ của 2 bạn trẻ này chính là câu trả lời- Ảnh 2.

Phan Thành

Vốn là dân truyền thông, Thành hiểu rằng việc mò mẫm tìm các công việc từ xa trên các hội nhóm hay các trang tuyển dụng, rồi gửi CV, hẹn phỏng vấn, deal lương là quá tốn thời gian; lại còn dễ bị lừa.

Thay vào đó, Thành lại có một nước đi khác: Xây dựng thương hiệu cá nhân để khách hàng tự tìm đến mình.

"Mình quan niệm rằng làm việc kiếm tiền thực chất là bán sức lao động của mình, vậy thì người mua sẽ nhận lại được những giá trị tương ứng nào với khoản tiền họ đã bỏ ra? Đây là điều mình phải chứng minh và nếu làm được thì việc tìm 2-3 công việc tay trái cùng lúc là điều không quá khó khăn, cũng không tốn thời gian hay tiềm ẩn nhiều rủi ro" - Chí Thành chia sẻ và cho biết thêm sau 3 tháng xây kênh TikTok để làm thương hiệu cá nhân, 2 công việc tay trái đã tự tìm đến Thành.

"Mình thường phân tích các chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng lớn, nổi tiếng rồi đăng lên TikTok. Ngoài yếu tố chuyên môn, mình còn tập trung vào những yếu tố khác như cách dựng, template video hay những yếu tố tiểu tiết hơn như cách chạy sub, vị trí đặt sub.

Tất cả cần phải thật chỉn chu để thể hiện tính chuyên nghiệp và kỹ năng của bản thân. Mình nghĩ đó là yếu tố rất quan trọng, bạn nói hay đến đâu, chuyên môn bạn vững thế nào mà sub bị lỗi font, thì cũng xin thưa là bạn còn nghiệp dư lắm" - Chí Thành thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm.

Tạm kết

Không ngừng học hỏi để trau dồi kỹ năng, biết cách để khách hàng hay nói cách khác chính là công việc tự tìm đến mình, là 2 yếu tố quan trọng giúp Chí Thành và Ngọc Hạnh thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu.

"Mình luôn nghĩ là ngoài công việc chính ra, mình có thể làm thêm được việc gì khác và đồng thời, mình cần có thêm những kỹ năng gì để đáp ứng được yêu cầu của công việc thứ 2, thứ 3,... Đó là lý do mình không bao giờ ngừng học.

Mình không giỏi tự học nên phần lớn đều là đăng ký các khóa học ngắn hạn, kéo dài khoảng 1-2 tháng. Bản thân mình coi đây là việc đầu tư không bao giờ lo lỗ, vì nếu đợi đến khi có việc mới tất tưởi đi học thì khả năng cao là không kịp đâu" - Ngọc Hạnh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của Ngọc Hạnh nhưng Chí Thành lại kiên quyết nhấn mạnh, bổ sung thêm một yếu tố quan trọng khác: "Mình làm được gì, mình phải thể hiện hết ra trên MXH. Bạn có khả năng, bạn giỏi nhưng chỉ mình bạn biết thì còn ốm mới tìm được việc tay trái. Mình không cổ vũ mọi người sống ảo, phóng đại hóa khả năng làm việc của bản thân, nhưng cũng đừng giấu nhẹm đi cái giỏi của mình. Thế là dại!" .

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ mới

Trở lên trên