Vì sao bảng điện tử LED ở nhiều tỉnh thành chạy dòng chữ nhạy cảm?
Cục An toàn thông tin phát hiện tình trạng các bảng điện tử quảng cáo chạy LED của một số cá nhân, tổ chức ở các địa phương trên cả nước bị thay đổi nội dung hiển thị.
Ngày 22-11, mạng xã hội xôn xao hình ảnh một bảng điện tử trên cổng chào xã nông thôn mới An Sơn (Ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có dòng chữ lạ thay thế cho nội dung tuyên truyền từ trước tới nay.
Cụ thể, dòng chữ "Nhà cái đến từ châu Phi" chạy nhiều lần bằng đèn led màu đỏ.
Bảng điện tử trên cổng chào xã nông thôn mới An Sơn
Cổng không gian mạng quốc gia tối 22-11 thông tin: Trong quá trình giám sát trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin phát hiện tình trạng các bảng điện tử quảng cáo chạy LED của một số cá nhân, tổ chức trên một số địa bàn thuộc các địa phương trên cả nước bị thay đổi nội dung hiển thị.
Theo đó, các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là các bảng LED cũ, không rõ nguồn gốc, thường cho phép quản lý thông qua wifi hoặc sử dụng mật khẩu bảo mật wifi mặc định dễ đoán.
Hiện nay, các ứng dụng trên điện thoại cho phép chỉnh sửa nội dung bảng điện tử LED ngay trên thiết bị di động chỉ cần kết nối wifi của bảng LED, phổ biến nhất là "LED Art".
Một màn hình LED bị hack. Ảnh chụp màn hình
Đặc biệt, có tình trạng chia sẻ rộng rãi cách thức thực hiện hành vi tràn lan trên mạng xã hội; làm ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận các bạn trẻ về hành vi sai trái này.
Cục An toàn thông tin hướng dẫn biện pháp xử lý tình huống trên gồm: Kiểm tra, rà soát lại mật khẩu wifi của bảng điện tử đang sử dụng, thay đổi thành mật khẩu khác có tính phức tạp và khó đoán hơn. Đồng thời, thực hiện tắt wifi trên thiết bị nếu chỉ quản trị qua kết nối có dây.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ nhiều clip, các bức ảnh chụp hình các màn hình LED có các nội dung bị thay đổi so với ban đầu. Nhiều màn hình LED được đặt tại nơi công cộng, trường học nhưng lại có nội dung tục tĩu, phản cảm khiến dư luận bức xúc.
Người Lao Động