Vì sao bí thư không nên là người địa phương?
Dư luận đồng tình với đề xuất bí thư cấp ủy - người đứng đầu không phải người địa phương.
Một trong những nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 tập trung thảo luận là “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong nội dung bàn thảo tại hội nghị này có một vấn đề được nêu ra và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, đó là thực hiện bí thư cấp ủy - người đứng đầu không phải người địa phương .
Cha ông có tầm nhìn xa
Thực ra về vấn đề này các triều đại phong kiến Việt Nam xưa đã từng ban hành và thực thi khá triệt để, đó là luật hồi tỵ. Hồi tỵ nghĩa gốc là tránh đi (hoặc né tránh). Theo đó, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ để hạn chế và ngăn chặn việc người có chức vụ bao che, câu kết nhau làm những việc tiêu cực.
Vua Lê Thánh Tông đã ban hành luật hồi tỵ trong bộ Lê triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức). Trong đó có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
Đến thời vua Minh Mạng, luật hồi tỵ còn được thực hiện triệt để hơn. Theo đó, quan lại ở các bộ, trong kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác.
Những quan lại quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở quê vợ, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.
Người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Khi thanh tra, thụ lý án, nếu có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế…
Hồ Chủ tịch cũng từng cảnh báo
Những ngày đầu độc lập, trong thư gửi cho các huyện, tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những lỗi lầm nặng nề mà đội ngũ cán bộ mắc phải khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, trong đó có biểu hiện kéo bè, kéo cánh: “Bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công...”. Cũng trong thư gửi các đồng chí Bắc bộ ngày 1-3-1947, Bác đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ”.
Những gợi mở từ luật hồi tỵ của cha ông sẽ giúp các cơ quan có trách nhiệm ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách ngày càng phù hợp hơn về công tác cán bộ, nhất là trong bối cảnh ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng “cả họ làm quan”.
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. Nghị định số 158/2007 và Nghị định 150/2013 có quy định về các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, phạm vi chuyển đổi hẹp hơn rất nhiều và vẫn cơ bản trong cơ quan, tổ chức đó. |
Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh