Vì sao Bộ trưởng Y tế im lặng trong vụ xử BS Hoàng Công Lương?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã đưa ra một số lý do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến im lặng trước vụ xét xử BS Hoàng Công Lương.
- 30-05-2018Chánh án TAND Tối cao: Tôi tin HĐXX vụ bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ có "phán quyết đúng đắn"
- 23-05-2018ĐBQH: Đề nghị mức án 30-36 tháng tù treo cho Hoàng Công Lương là "không chấp nhận được"
- 15-05-2018Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong
- 07-05-2018Hoãn xử bác sĩ Hoàng Công Lương sau gần 2 giờ khai mạc tòa
Sáng 30/5, trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội về vụ xét xử BS Hoàng Công Lương liên quan sự cố chạy thận 9 người chết ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH An Giang) đánh giá cao VKS đề nghị trả hồ sơ vụ án và mong đề nghị này được HĐXX chấp thuận.
“Tôi mong HĐXX đồng ý với đề nghị của VKS để không xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”, ĐB Lân Hiếu bày tỏ.ĐB Lân Hiếu cho rằng, VKS đã có ý kiến đúng đắn khi đề nghị trả hồ sơ, điều đó cho thấy VKS đã lắng nghe ý kiến của dư luận cũng như các chuyên gia.
Trả lời câu hỏi "nếu Tòa án TP Hòa Bình tuyên trả hồ sơ, tới đây có cần thiết bổ sung đối tượng điều tra và khởi tố đối với giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương hay không?", ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói: “VKS và CQĐT sẽ dựa theo bằng chứng mới, thông tin tại tòa để điều tra theo hướng không bỏ lọt tội phạm”.
Nói về công văn số 4324 của Bộ Y tế gửi cơ quan điều tra để trả lời về chuyên môn liên quan đến vụ án, gây “hiểu lầm” cho VKS mà theo Luật sư bào chữa cho BS Hoàng Công Lương thì công văn này có thể thành “cơ sở” để VKS truy tố 3 bị cáo trong đó có BS Hoàng Công Lương, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, tại phiên tòa đại diện Bộ Y tế đã giải thích.
“Theo tôi, Bộ cần có công văn rõ ràng hơn để trả lời cho cơ quan điều tra, để thể hiện rõ vai trò quản lý của Bộ Y tế đối với hệ thống khám chữa bệnh”, ĐB Lân Hiếu bày tỏ.
Vị đại biểu dân cử của tỉnh An Giang cũng nhận định: "Sau vụ việc này với vai trò là cơ quan quản lý, tôi tin chắc chắc rằng Bộ Y tế cần phải có sự thay đổi, rút kinh nghiệm sau vụ việc. Vì đây không chỉ là tai biến y khoa mà là một thảm họa y tế. Rất cần thiết ngồi lại để tìm ra nguyên nhân, nếu để lặp thì phải chịu trách nhiệm rất nặng nề trước nhân dân".
Trước luồng dư luận thắc mắc vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế không lên tiếng từ khi vụ việc xảy ra, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, về luật thì đã có Vụ Pháp chế - đại diện cho Bộ Y tế trả lời.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Trở lại phiên tranh luận “nảy lửa” tại hội trường ngày 28/5 về vụ việc của BS Hoàng Công Lương, dưới sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trực tiếp đề nghị “Bộ trưởng nói rõ thêm về việc này”, tuy nhiên vẫn là sự im lặng. Vì sao lại có tình trạng này?“Tôi nghĩ đấy chính là phát ngôn của Bộ Y tế, chúng ta phải rõ ràng. Giống như trên thế giới, nếu Tổng thống Mỹ không nói thì người phát ngôn của Nhà Trắng sẽ nói. Và vụ trưởng Vụ pháp chế chính là người phát ngôn của Bộ Y tế mà người đứng đầu là Bộ trưởng” – ĐB Lân Hiếu chia sẻ.
Trả lời câu hỏi này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói: “Tôi nghĩ rằng, không được Chủ tọa đoàn hỏi thì Bộ trưởng không thể giơ biển tranh luận được. Vì Bộ trưởng không có quyền phát biểu, trong phiên họp đấy. Nếu có nói thì trong các phiên chất vấn.
Do đó, việc im lặng như thế cũng không phải là lỗi của Bộ trưởng. Ai cho nói mà nói, đến tôi là ĐBQH giơ biển xin tranh luận còn không được vì Chủ tịch đoàn nghĩ rằng vấn đề đó đang trong quá trình xét xử không nên phát biểu nữa.
Cho nên bản thân tôi và một số đại biểu giơ biển xin tranh luận cũng không được nói… Tôi nghĩ rằng việc Bộ trưởng đứng lên xin nói không dễ dàng”- ĐB Lân Hiếu nhấn mạnh.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc ông có lo ngại gì không về trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế nếu như tới đây kiến nghị của VKS được Tòa án TP Hòa Bình chấp thuận trả hồ sơ, ĐB Lân Hiếu “xin phép không bình luận” vì phải đợi cơ quan điều tra đưa ra các bằng chứng, số liệu cụ thể. "Vì đây là liên quan đến chuyên môn, pháp luật cũng như liên quan đến hoạt động rất quan trọng của ngành”.
Infonet