Vì sao các ngân hàng ồ ạt mua lại nợ xấu?
Tìm cách mua lại nợ xấu đã bán cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là diễn biến gây nhiều chú ý trên thị trường ngân hàng thời gian gần đây.
- 25-06-2019Nợ xấu sẽ được xử lý dứt điểm và nhanh hơn
- 19-06-2019Sẽ có sàn giao dịch nợ xấu, VAMC hướng mục tiêu mua 330.000 tỷ đến năm 2020
- 21-05-2019Điểm danh những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất
Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB và mới đây ACB là những ngân hàng đầu tiên chính thức xóa sạch số nợ xấu được bán cho VAMC trước đây.
Nhiều ngân hàng khác như Eximbank, TPBank, Kienlongbank, VPBank, BIDV, Eximbank hay SHB cũng đang xúc tiến kế hoạch mua lại nợ của VAMC và tất toán trái phiếu đặc biệt ngay trong năm 2019.
VPBank cho biết chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận 2019 ở mức 9.500 tỉ đồng, tăng chỉ 3% so với năm 2018. Lãnh đạo ngân hàng này lí giải, con số tăng trưởng lợi nhuận thận trọng trong năm 2019, có nguyên nhân từ mong muốn tập trung xử lý dứt điểm số nợ xấu bán cho VAMC ngay trong năm nay, vào khoảng 3.160 tỉ đồng.
Việc các ngân hàng mua lại nợ xấu đã bán và xu hướng này càng mở rộng trong các tháng đầu năm 2019 gây nhiều chú ý, song không phải là quá bất ngờ.
Bởi trong suốt những năm qua, bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp mà nhiều ngân hàng buộc phải áp dụng để nhanh chóng đưa nợ xấu (thường đang chiếm tỉ lệ rất cao so với tổng dư nợ) ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Đổi lại, các ngân hàng sẽ nhận được lượng trái phiếu tương ứng của VAMC có thời hạn 5 năm và trong suốt thời gian này, mỗi năm ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị sụt giảm hàng năm.
ThS Trương Thị Đức Giang - Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh phân tích: “Nợ xấu bán cho VAMC thực chất chỉ xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán và giãn thời gian trích dự phòng chứ chưa giải quyết được bản chất nợ xấu. Sau khi mua nợ, hầu hết quá trình tiếp theo như thu hồi nợ, xử lý tài sản vẫn được VAMC ủy quyền… cho ngân hàng thực hiện”.
Vì vậy khi mua lại nợ xấu, các ngân hàng có thể hoàn toàn chủ động trong việc xử lý nợ xấu. Đặc biệt khi lợi nhuận 2018 khả quan và tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang ở mức thấp (2,02%) là những điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, việc mua lại nợ để tự xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019.
Mỗi nhà băng vì thế sẽ phải tính toán khối lượng nợ xấu mua về để vẫn đảm bảo mục tiêu lợi nhuận cả năm và tỉ lệ nợ xấu hợp lý.
Ngay tại TPBank, theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, tùy theo kết quả lợi nhuận, năm nay ngân hàng sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC hoặc chỉ tối thiểu là 500 tỉ đồng
Một thông tin đáng chú ý khác là NHNN đang dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013. Dự thảo này có quy định các ngân hàng có nợ bán cho VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Đây có thể mới là “động lực” chính thúc đẩy các ngân hàng hi sinh lợi nhuận trước mắt để quyết liệt xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu bán cho VAMC, tất toán toàn bộ số trái phiếu trên phòng trường hợp dự thảo trên trở thành văn bản chính thức.
Lũy kế đến đầu quý II/2019, số nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC đạt 338.849 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỉ đồng.