MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các Sumo Nhật Bản được gọi là "người béo phì khỏe mạnh"? - Câu trả lời cực bất ngờ!

10-09-2023 - 18:02 PM | Sống

Do chế độ tập luyện cùng chế độ ăn nghiêm ngặt đã giúp các Sumo Nhật Bản chỉ bị tích tụ lượng mỡ dưới da, chứ không phải mỡ nội tạng.

Bệnh lý tim mạch và đột quỵ đang là nhóm bệnh nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong ở người trưởng thành. Trong đó, béo phì là một trong những nguyên nhân góp phần lớn vào tình trạng này. Thừa cân, béo phì được coi là bệnh của thế kỷ 21, khi mà tỷ lệ người mắc có xu hướng ngày càng tăng cao và trẻ hóa độ tuổi.  

Theo WHO, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá ngưỡng phù hợp với chiều cao hiện tại. Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng của cơ thể hay toàn thân gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe như bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, tiểu đường hay bệnh lý cơ xương khớp,… Chỉ số BIM từ lâu được dùng để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. BMI từ 25 – 29,9 được coi là thừa cân, và > 30 được coi là béo phì. 

Tuy nhiên, một thông tin thú vị được các nhà nghiên cứu của Nhật Bản đăng trên trang ResearchGate, các Sumo Nhật bản xuất hiện với thể trạng to béo (thường nặng từ 130 – 180Kg), vòng bụng lớn, chỉ số BIM 35,5-36,5, cao hơn rất nhiều so với người bình thường, lại không bị các bệnh lý liên quan đến béo phì như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ,… và họ trông thực sự rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, linh hoạt trên sàn đấu. 

Sumo là bộ môn thể thao truyền thống lâu đời ở Nhật Bản và được xem là biểu tượng sức mạnh của người dân nơi đây. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiết lộ phim chụp cắt lớp vi tính của Sumo có rất ít mỡ nội tạng trong cơ thể mà chủ yếu là lớp mỡ dưới da. Xét nghiệm máu cũng cho thấy các chỉ số đường máu, cholesterol máu và mỡ máu trung tính ở ngưỡng thấp đã giúp họ tránh được các biến chứng của béo phì và được coi là những người béo phì khỏe mạnh. 

Tại sao lại có điều thú vị đó? Câu trả lời nằm ở sự phân bố mỡ trong cơ thể và chế độ ăn uống, tập luyện của các Sumo. 

Vì sao các Sumo Nhật Bản được gọi là "người béo phì khỏe mạnh"? - Câu trả lời cực bất ngờ! - Ảnh 1.

Sumo là bộ môn thể thao truyền thống lâu đời ở Nhật Bản và được xem là biểu tượng sức mạnh của người dân nơi đây. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khiến các Sumo được gọi là "người béo phì khỏe mạnh"

Bình thường, lượng mỡ dưới cơ thể được phân bố thành 2 dạng.

1. Mỡ dưới da 

Mỡ dưới da là lớp mỡ phổ biến nhất, nằm ngay dưới da, tập trung ở vùng mông, hông và đùi. Lớp mỡ này có thể quan sát được bằng mắt hoặc đo được bằng kẹp đo mỡ dưới da. Chúng  thường tương đối an toàn, không gây hại. 

2. Mỡ nội tạng

Mỡ nội tạng là lớp mỡ nằm sâu trong các khoang của cơ thể, bao quanh các tạng như tim, gan, ruột, tụy,... và chỉ được xác định thông qua chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên các xét nghiệm này thường tốn kém, mất nhiều thời gian và đề nghị sử dụng chỉ số vòng eo để dự đoán. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lớp mỡ nội tạng này chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe.  

Lớp mỡ nội tạng làm tăng tình trạng đề kháng Insulin – một hormon do tuyến tụy bài tiết có tác dụng hạ đường máu. Do vậy, người béo phì thường nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng phản ứng viêm của cơ thể, tăng tình trạng xơ vữa động mạch, gây tổn thương hệ tim mạch và các tạng khác trong cơ thể. 

Ngay cả khi bạn có chỉ số BMI bình thường, cân nặng bình thường thì lượng mỡ này vẫn có thể tích tụ trong cơ thể và gây ra biến chứng. Khi lớp mỡ dưới da quá cao sẽ có xu hướng chuyển hóa thành mỡ nội tạng. 

Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến chỉ số vòng eo, đó là chu vi của phần eo – phần hẹp nhất của bụng, điểm giữa của bờ dưới xương sườn cuối cùng và đỉnh mào chậu, ở trên rốn. Vòng eo ở nam > 90 cm và ở nữ > 80cm đối với người châu Á được chứng minh tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và tiểu đường .                                                    

Còn chỉ số vòng bụng là chu vi xung quanh phần lớn nhất của hông. Chỉ số WHR là tỷ lệ giữa chỉ số vòng eo/ vòng hông là cách mà bác sĩ có thể xem liệu cân nặng dư thừa này có gây nguy hiểm đến sức khỏe hay không. Theo WHO, chỉ số WHR ở nam < 0,9 và nữ < 0,85 là vừa phải. Nếu chỉ số > 1,0 sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh lý khác liên quan đến thừa cân. 

BIM là công cụ dựa trên mối quan hệ giữa cân nặng và chiều cao để đánh giá cơ thể có thừa cân hay không mà không tính đến sự phân bố lượng mỡ trong cơ thể. Do vậy, các bác sĩ rất khó để dự đoán được nguy cơ mắc bệnh lý ở người bệnh nếu chỉ dựa vào BIM. WHO, đã đưa vào thêm chỉ số vòng eo và chỉ số tỷ lệ giữa chỉ số vòng eo/chỉ số vòng hông (WHR), được xem là công cụ hữu ích trong việc dự đoán khả năng mắc bệnh lý tim mạch. Nhiều người có sự nhầm lần giữa đo vòng eo và đo vòng bụng.

Ở nam giới, thường tích mỡ quanh eo nhiều hơn, trong khi nữ giới thường tích mỡ quanh hông và đùi. 

Vì sao các Sumo Nhật Bản được gọi là &quot;người béo phì khỏe mạnh&quot;? - Câu trả lời cực bất ngờ! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Trở lại với các Sumo Nhật bản, sở dĩ có được tình trạng trên là do cường độ tập tuyện cao, thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, kéo dài liên tục trong 5 giờ và một chế độ ăn nghiêm ngặt. Việc tập luyện cường độ cao giúp cơ thể tăng giải phóng ra hormon adiponectin. Hormon này do các mô mỡ tiết ra có tác dụng làm tăng độ nhạy của Insulin, giúp ổn định đường máu, tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và thúc đẩy phân bổ mỡ ở dạng dưới da, giảm khối lượng mỡ nội tạng. Tuy nhiên, khi không còn thi đấu thì lớp mỡ dưới da sẽ chuyển hóa thành lớp mỡ nội tạng và gây hại cho cơ thể.

Do vậy, để thực sự giảm được mỡ nội tạng, ngoài chế độ ăn, việc tập luyện là bắt buộc. Để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, ngoài công cụ BIM thì các chỉ số vòng eo, chỉ số tỷ lệ vòng eo/vòng hông cũng góp phần đánh giá nguy cơ bệnh lý tim mạch và các bệnh lý liên quan khác chính xác hơn. 

Theo BS Phạm Hằng

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên