MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các thành phố biên giới sợ Tổng thống Trump đóng cửa biên giới?

06-04-2019 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Nếu Tổng thống Trump đóng cửa biên giới giữa Mỹ và Mexico, người dân các thành phố biên giới sẽ phải hứng chịu những tác động đầu tiên.

Jesus Perez, một người lái xe buýt tuyến ngắn ở Nogales, Arizona, lo ngại về tác động sẽ xảy ra nếu lời đe dọa đóng cửa biên giới Tổng thống Donald Trump trở thành sự thật.

“Hầu hết các khách hàng của tôi tới đây vì lý do công việc, ở mùa cao điểm, họ tới đây du lịch”, anh Perez, 53 tuổi nói với Al Jazeera.

Vì sao các thành phố biên giới sợ Tổng thống Trump đóng cửa biên giới? - Ảnh 1.

Tài xế xe buýt ở Nogales đang chờ khách tới và sẽ xuất phát ngay khi đủ khách. Ảnh: Al Jazeera.

Công việc kinh doanh hiện đang khá tốt, nhưng Perez lo ngại, nếu biên giới bị đóng cửa, anh và nhiều người khác trong thành phố này sẽ cảm thấy tác động ngay tức thì.

“Chúng tôi có thể tồn tại trong vài ngày, nhưng nó sẽ sớm trở thành vấn đề lớn. Tôi còn phải nuôi các con, phải thanh toán các hóa đơn và đóng tiền bảo hiểm nữa”.

Những tháng gần đây, Tổng thống Trump liên tục dọa đóng cửa biên giới với lý do ngăn chặn về cuộc khủng hoảng di cư.

Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 29/3, Tổng thống Trump nói rằng: “Nếu Mexico không ngay lập tức chặn tất cả người di cư bất hợp pháp tới Mỹ qua biên giới phía Nam, tôi sẽ đóng cửa biên giới, hoặc phần lớn biên giới, trong tuần tới. Điều này Mexico có thể làm được, nhưng họ chỉ lấy tiền của chúng ta và ‘nói suông’. Chúng ta đã mất nhiều tiền cho họ, đặc biệt là khi tính thêm cả

vấn đề buôn lậu ma túy, vì thế đóng cửa biên giới là một điều tốt đẹp”.

Đầu tuần này, ông một lần nữa nhắc lại rằng, khu vực biên giới đang ở trong tình trạng khẩn cấp quốc gia và nếu Quốc hội không hành động, biên giới chắc chắn sẽ bị đóng cửa. Ông cũng khẳng định, việc đóng cửa biên giới chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, nhưng với ông, “an ninh quan trọng hơn thương mại”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với sự phản đối từ đảng Dân chủ và cả những thành viên ngay trong đảng Cộng hòa của ông, cũng như các nhóm doanh nghiệp, những người sinh sống và làm ăn ở các thành phố dọc biên giới của Mỹ.

Trao đổi thương mại 1,7 tỷ USD mỗi ngày

Mexico là một trong những đối tác hàng đầu của bang Arizona. Theo trung tâm nghiên cứu kinh doanh và kinh tế của Đại học Arizona, trong 3 tháng qua, bang này xuất khẩu trung bình 682 triệu USD sang nước láng giềng phía Nam. Ngoài ra, mỗi tháng có tới 2 triệu người đi lại giữa Mexico và Arizona để làm việc và du lịch.

Tất nhiên, con số kể trên chỉ là một phần trong tổng giá trị thương mại và du lịch qua biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Ở Califfornia, thành phố San Diego và thành phố Tijuana của Mexico cũng có nhiều mối quan hệ kinh doanh. Thực tế này cũng đúng với nhiều thành phố biên giới khác, trong đó có El Paso (Texas) với Ciudad Juarez (Mexico).

Theo phòng thương mại Mỹ, gần 1,7 tỷ USD giá trị hàng hóa dịch vụ trao đổi qua biên giới Mỹ-Mexico mỗi ngày. Công việc của 5 triệu người Mỹ phụ thuộc vào thương mại với Mexico sẽ bị rủi ro nếu biên giới đóng cửa.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói với NBC News hôm 2/4 rằng, đóng cửa biên giới “sẽ tác động thảm khốc tới nền kinh tế Mỹ”.

Nhiều người sống và làm việc ở khu vực biên giới cũng đồng tình với quan điểm này.

“Nogales tồn tại hoàn toàn nhờ những người Mexico đi lại qua biên giới”, Lizeth Babuca, một nhân viên ngân hàng ở Nogales nói.

“Chất lượng của các nguyên vật liệu ở đây tốt hơn, vì thế mọi người (Mexico) thường tới đây để mua hàng. chỉ vài tuần đóng cửa biên giới cũng đủ để trở thành thảm họa với giới doanh nghiệp”, theo Babuca.

Không chỉ phía Mỹ, các doanh nghiệp bên phía biên giới Mexico cũng sẽ cảm thấy tác động ngay lập tức.

Do chi phí y tế ở Mỹ khá cao, nhiều người Mỹ thường qua biên giới Mexico khám chữa bệnh. Thành phố Los Algodones nằm ngay sát biên giới của Mexico với Mỹ, đôi khi được nhắc tới là “thành phố răng” vì nhiều người Mỹ thường tới đây làm răng.

Anh Jose Pastrano - chủ một phòng nha ở Los Algodones cho biết, khách hàng của anh chủ yếu là người Mỹ. Cách đây khoảng vài tuần, lịch hẹn của Pastrano thường kín khách, nhưng mấy ngày qua, mọi thứ diễn ra chậm chạp hơn so với mọi khi.

“Nhiều người gọi điện cho tôi để hoãn hoặc hủy lịch. Họ lo ngại biên giới có thể sẽ đóng cửa trong lúc họ đang ở đây. Việc đi lại qua biên giới cũng mất nhiều thời gian hơn mọi khi. Họ phải chờ ít nhất là 1 tiếng rưỡi mới qua được cửa khẩu”, Pastrano nói.

“Trò chơi chính trị”

Tổng thống Trump vẫn nói rằng, việc đóng cửa biên giới là cần thiết để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp trong bối cảnh hàng nghìn người từ các nước Trung Mỹ vẫn không ngừng hướng về phía Bắc để xin tị nạn tại Mỹ.

Tháng 2/2019, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới để “qua mặt” Quốc hội, huy động hàng tỷ USD xây bức tường biên giới mà ông đã cam kết.

Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới tuần trước cho biết, gần 100.000 người di cư đang dồn lại ở biên giới Mỹ trong tháng 3/2019, con số cao nhất trong 10 năm qua.

Tuần trước, chính phủ Mỹ đã phải điều động hàng trăm nhân viên biên giới sang làm công tác di trú, khiến các hoạt động qua lại ở các cửa khẩu bị kéo dài.

Một số người cho rằng, Tổng thống Trump dọa đóng cửa biên giới là vì mục đích chính trị.

Hank Walton, từ Oklahoma (Mỹ), tới Mexico mỗi năm để mua gia súc. “Gia súc ở đây béo tốt và khỏe mạnh, ngược lại hoàn toàn với gia súc ở Mỹ”, ông nói với Al Jazeera nói trong lúc xếp hàng chờ qua cửa khẩu để trở lại Arizona. Theo ông, việc Tổng thống Trump muốn đóng cửa biên giới là cách để gây sức ép với Quốc hội.

Còn người lái xe buýt Jesus Perez thì cho rằng, không có tình trạng khẩn cấp nào ở biên giới cả. “Chẳng có điều gì thực sự thay đổi ở Nogales trong suốt 20 năm qua. Đó là chính trị. Đóng cửa biên giới là vì lợi ích cá nhân của ông Trump. Lâu nay nước Mỹ luôn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, và bạn không thể dừng điều đó lại”.

Theo Thùy Linh

VOV

Trở lên trên