MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cần rà soát vụ đấu giá 3 mỏ cát gần 1.700 tỉ đồng?

13-11-2023 - 12:33 PM | Xã hội

Việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội lên đến gần 1.700 tỉ đồng có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng

Ngày 13-11, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội cho biết sở đang rà soát báo cáo TP Hà Nội để thành phố báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính vụ đấu giá 3 mỏ cát có giá trị gần 1.700 tỉ đồng.

Vì sao cần rà soát vụ đấu giá 3 mỏ cát gần 1.700 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Khu vực mỏ cát Châu Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội

Trước đó, Sở TN-MT Hà Nội đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát: Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá 3 mỏ cát này, thời gian đấu giá kéo dài từ 9 giờ ngày 5 đến gần 6 giờ sáng 6-11.

Kết quả đấu giá, mỏ Châu Sơn với trữ lượng hơn 700.000 m3, giá khởi điểm hơn 2,8 tỉ đồng, qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được nhà đầu tư giành quyền khai thác mỏ cát với giá hơn 396 tỉ đồng, gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm. Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn.

Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trữ lượng 4.899.000 m3, giá khởi điểm hơn 19 tỉ đồng. Qua 21 vòng đấu giá, ban tổ chức đấu giá xác định Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá với giá gần 884 tỉ đồng, gấp khoảng 46 lần giá khởi điểm.

Mỏ Liên Mạc trữ lượng hơn 500.000 m3, giá khởi điểm hơn 2 tỉ đồng. Qua 53 vòng đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP giành quyền trúng thầu với giá hơn 408 tỉ đồng, gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm.

Tổng số tiền giá khởi điểm chưa đến 24 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư trúng đấu giá của 3 mỏ cát này là khoảng 1.684 tỉ đồng, tiền đặt cọc khoảng 3,5 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính trung bình, mỏ Châu Sơn có giá hơn 500.000 đồng/m3; mỏ Liên Mạc có giá hơn 800.000 đồng/m3...

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện giá cát bán ra tại nhiều mỏ dao động từ 60.000-80.000 đồng/m3; còn giá người dân mua để sử dụng dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/m3 (bao gồm cả công vận chuyển...).

Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá cát thị trường với giá đấu giá các mỏ cát mà Sở TN-MT Hà Nội vừa đấu giá thành công.

Nhiều chuyên gia, cán bộ trong ngành TN-MT và kể cả một số chủ đầu tư đang khai thác mỏ cát đều cho rằng kết quả đấu giá của 3 phiên này có nhiều điểm bất thường, vô lý.

Ông N.T.T (chủ đầu tư một mỏ cát ở Hà Nội) cho rằng giá cát thị trường ở Hà Nội hiện nay không cao như giá của các doanh nghiệp trên bỏ ra đấu giá. Nếu làm theo đúng quy định, theo pháp luật thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ lỗ.

Liên quan đến 3 vụ đấu giá mỏ cát này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện cho biết trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.

"Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng" - Công điện của Thủ tướng nêu rõ.

Để quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Đồng thời, kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-11-2023.

Xử nghiêm hành vi nhiễu loạn thị trường

Bộ TN-MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng...

Bộ Công an được giao chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo B.H.Thanh

nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên