Vì sao cao tốc Dầu Giây-Tân Phú hơn 8.300 tỷ đồng chưa được chấp thuận đầu tư?
Ảnh minh họa: Nguyễn Toán
Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cao tốc Dầu Giây-Tân phú để trình Thủ tướng quyết định.
Ngày 23/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến liên quan đến Tờ trình đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1).
Theo đó, phó Thủ tướng nhấn mạnh, "sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc phạm vi dự án, Bộ Giao thông vận tải cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (BCNCTKT), trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời gửi Hội đồng thẩm định nhà nước để có ý kiến kết luận rõ BCNCTKT phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư".
Cao tốc trọng điểm phía Nam
Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú dài 60km, là một trong 3 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km. Hiện nay, Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng 2 đoạn huyện Tân Phú - TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc - Liên Khương (huyện Đức Trọng).
Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách có tổng mức đầu tư dự kiến trên 8.300 tỷ đồng, dự kiện khởi công sau năm 2022 và hoàn thiện năm 2025.
Trước đó, Bộ GTVT có Tờ trình 1068/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT).
Dự án này có điểm đầu tại Km0+000, kết nối với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 tại khoảng Km69+400), thuộc địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Quy mô giai đoạn 1 dự án với 4 làn xe, chiều rộng 17m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình khoảng 1.300 tỷ đồng. Chi phí chuẩn bị Dự án của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chuẩn bị dự án PPP sẽ do Nhà đầu tư được lựa chọn chịu trách nhiệm hoàn trả về ngân sách nhà nước.
Dự kiến, Dự án hoàn vốn trong vòng 20 năm 3 tháng, khi khai thác sẽ có mức phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Việc đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20; góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung; phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.
Doanh nghiệp và tiếp thị