Vì sao 'chê' thiên đường du lịch, doanh thu lao dốc dịp 2/9?
Hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc, tuy nhiên không hiệu quả, bùng nổ như các kỳ nghỉ trước trong năm. Hầu hết các điểm du lịch đều ghi nhận lượng khách và doanh thu giảm đáng kể so với dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
- 06-09-2023Du lịch TP Hồ Chí Minh thu gần 2.900 tỷ đồng dịp nghỉ lễ 2/9
- 05-09-2023Thủ tướng 3 nước muốn thúc đẩy gói du lịch 'một hành trình ba điểm đến'
- 05-09-2023Du lịch Ninh Bình bội thu dịp Quốc khánh
Lượng khách và doanh thu giảm
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, lượng khách và tổng doanh thu du lịch đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 55%.
Một số địa phương thường được ví như thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đìu hiu trong những ngày lễ. Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng) không còn là điểm nóng hút khách.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt 126.690 lượt, giảm 32,9% so với cùng kỳ. Riêng Phú Quốc đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ, trong đó có 5.700 lượt khách quốc tế. Khách có lưu trú đạt 19.209 lượt.
Thành phố Đà Lạt đón khoảng 90.000 lượt khách, chỉ lấp đầy khoảng 50% công suất phòng của toàn thành phố. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ cũng cho thấy, trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9, lượng khách tới địa phương giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc tuy nhiên không hiệu quả, bùng nổ như các kỳ nghỉ trước trong năm.
Hầu hết các điểm du lịch đều ghi nhận lượng khách và doanh thu giảm đáng kể so với dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Khách chi tiêu tiết kiệm
Nhu cầu của du khách thay đổi nhiều sau đại dịch COVID-19. Tính chất mùa cao điểm, mùa thấp điểm không còn quá rõ rệt. Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Vietluxtour - nhận định, du khách có kế hoạch du lịch đều đặn, tranh thủ thời điểm nhàn rỗi của dịch vụ nhiều hơn như các ngày đầu tuần, các giai đoạn sau hoặc trước dịp lễ lớn.
Tổng Giám đốc công ty du lịch Wondertour Lê Công Năng cho hay, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, dẫn đến sức mua của người dân giảm. Các công ty lữ hành ghi nhận lượng khách đặt 2/9 tăng nhưng vẫn không đạt số lượng như kỳ vọng.
Nhận định các tour du lịch thiên về trải nghiệm, khám phá đang được quan tâm, nhiều đơn vị lữ hành có sự điều chỉnh về sản phẩm.
"Hai năm gần đây, khách du lịch mong muốn tìm kiếm những sản phẩm tour đem lại nhiều trải nghiệm và tận hưởng nhiều hơn. Tour du lịch với cung đường mới đang thu hút một lượng khách tiềm năng. Chẳng hạn, với những du khách quen thuộc với tuyến tour Bangkok - Pattaya (Thái Lan), năm nay, chúng tôi mang tới trải nghiệm mới đó là tuyến tour du lịch kết hợp nghỉ dưỡng Phuket", đại diện công ty du lịch Best Price nói.
Thay vì lựa chọn du lịch dài ngày, nhiều gia đình hướng đến du lịch tiết kiệm, ngắn ngày để chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới.
Chị Nguyễn Hồng Thanh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị lo ngại các địa điểm du lịch sẽ đông khách dịp nghỉ lễ, dẫn đến dịch vụ không được chu đáo, trọn vẹn. Nhiều người cũng mang tâm lý e dè như gia đình chị Thanh.
Trong báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Cục cũng chỉ ra nguyên nhân tổng thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm.
Khảo sát trước kỳ nghỉ lễ ghi nhận chặng bay Hà Nội - Phú Quốc còn nhiều vé. Vé khứ hồi Vietnam Airlines có giá 4 triệu đồng, Bamboo Airways từ 2,8-3,5 triệu đồng... So với cách đây một tháng, giá vé chặng bay này giảm nhẹ. Chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng càng sát ngày nghỉ lễ càng rẻ đã cho thấy sức mua của khách không cao.
Tiền phong