MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chỉ số PCI của TPHCM tụt hạng rồi không bật tăng được?

Vì sao chỉ số PCI của TPHCM tụt hạng rồi không bật tăng được?

Nhiều năm trở lại đây, chính quyền TPHCM luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố tụt hạng và gần đây cứ đứng yên.

Kết quả công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI năm 2020 của TPHCM  vẫn xếp thứ hạng 14 như năm 2019. Trong khi đó, các tỉnh thành lân cận thì chỉ số này tăng vượt bậc. Nguyên nhân nằm ở đâu và TPHCM cần phải làm gì để cải thiện chỉ số PCI?

Chủ trương cải cách thì nhiều, nhưng hiện thực hóa thì ít

Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM xếp thứ 8, nằm trong nhóm 10 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó liên tục giảm, đến năm 2019, chỉ số PCI của thành phố đứng thứ 14. Năm 2020, thứ hạng này vẫn không cải thiện, TP dậm chân ở thứ hạng 14 với tổng điểm là 65,70 và  giảm gần 1,5 điểm so với năm 2019. Đáng lo ngại nhất điểm số về gia nhập thị trường, tính minh mạch của thị trường đều giảm.

Đặc biệt, chỉ số "dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" vốn là thế mạnh của TP thời gian qua và luôn đứng tốp đầu của cả nước thì năm 2020 giảm gần 0,9 điểm so với năm 2019. Chỉ số này đánh giá mức độ hiệu quả, hữu ích của các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo, tư vấn, chấp mối kinh doanh, xúc tiến đầu tư.

Về tổng thể, nếu so với năm 2016 thì TPHCM đã tụt đến 6 hạng vào năm 2020. Trong khi đó, nằm cạnh TPHCM, Long An và Bình Dương đều bứt phá mạnh mẽ, bước vào tốp 5- Tốp các tỉnh có chỉ số cạnh tranh rất tốt.

TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban  Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận TPHCM có nhiều chỉ đạo, chủ trương cải cách thủ tục hành chính nhưng cần sớm hiện thực hóa.

“Nhiều doanh nghiệp nói với chúng tôi cho rằng, điều họ cần là những chương trình cải cách thủ tục hành chính phải đi vào cuộc sống. Nó phải có giá trị trên thực tế, biến những cải cách đó thành thực tế  như: đơn thủ tục hơn, giảm thời gian làm thủ tục, nếu hô hào chung thì doanh nghiệp chưa cảm nhận được chủ trương đó trong thực tế cuộc sống, làm sao thành phố phải rút ngắn được khoảng cách giữa việc thực thi chủ trương, chính sách với thực tiễn” - TS. Đậu Anh Tuấn nói.

Theo một số chuyên gia kinh tế, thời gian qua, TPHCM có nhiều dự án vướng mắc về thủ tục đất đai bị ách lại, thời gian giải quyết thủ tục kéo dài  khiến doanh nghiệp giảm niềm tin. Đây cũng là điểm trừ của TPHCM vì thời gian triển khai các dự án càng kéo dài thì chi phí của doanh nghiệp càng tăng.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, TPHCM nên tập trung tháo gỡ những vướng mắc này cho các doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không để một mình doanh nghiệp làm.

“Bộ máy hành chính với chỉ đạo phải đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ từng vấn đề một, chứ không phải chuyện riêng của doanh nghiệp như một số tỉnh thành khác đã làm tốt. Trường hợp một có một số quy định chồng chéo với nhau nhưng người đứng đầu công tâm thì không sợ làm sai” - ông Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Trên quyết liệt cải cách, dưới trì trệ

Thực tế, thời gian qua, lãnh đạo UBND TPHCM quyết liệt cải cách thủ tục hành chính như: thành lập tổ công tác đầu tư, yêu cầu các sở ngành nêu cao trách nhiệm, xem khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của mình, không  được “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng… Thậm chí, TPHCM đưa ra hạn thời gian cụ thể giải quyết một số thủ tục hành chính và quy trách nhiệm cá nhân có liên quan nếu để quá hạn. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, nhiều địa phương vẫn trì trệ  giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bức xúc hỏi lãnh đạo Sở thì lãnh đạo trả lời bên dưới không trình lên nên cũng không biết.  Một sồ doanh nghiệp cho rằng: Một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An hay một số tỉnh phía Bắc giải quyết thủ tục đầu tư nhanh hơn TPHCM nhiều.

“Tại sao cũng cùng một pháp luật như vậy một số tỉnh miền Đông hoặc miền Bắc họ vẫn giải quyết thủ tục hành chính nhanh dù cho 1 cửa hay nhiều cửa? Vì chính quyền của họ trực tiếp xuống cơ sở tiếp xúc doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên giải quyết nhanh. Còn TPHCM ở một số sở, ngành còn hạn chế trực tiếp xuống cơ sở, chỗ này chỗ kia vẫn còn quan liêu, trì trệ” - ông Nguyễn Văn Bé nói.

Trước thực trạng này, vừa qua, lãnh đạo TPHCM yêu cầu Sở Kế họach- Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch– Kiến trúc, Sở Tài Nguyên- Môi trường đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm 30% thời gian giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình  hiện nay. Trên 80% chi nhánh, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai giải quyết hồ sơ  tỷ lệ đúng hạn 96%. Trên 60% hồ sơ thuộc thẩm quyền của TPHCM được  cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, cơ quan chức năng  khi yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung  hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản, tránh tình trạng yêu cầu nhiều lần gây phiền doanh nghiệp.

“Chúng ta nói vì doanh nghiệp thì phải làm cụ thể chứ không hô hào khẩu hiệu chung chung. Giao cho các cơ quan, đơn vị trong chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng đồng bộ, quyết liệt, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi dự án đi vào hoạt động, trường hợp khó khăn phải báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM, tuyệt đối không để tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp” - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ.

Chủ đề năm 2021 của TPHCM là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng bộ máy chính quyền TPHCM chuyển động thật sự ở các cấp, các ngành. Có như thế thì PCI của TPHCM mới có thể cải thiện.

Theo Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên