Vì sao chủ tịch và giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt?
Ngoài Nguyễn Thái Luyện bị bắt khẩn cấp, Nguyễn Thái Lĩnh, tổng Giám đốc Công ty Alibaba, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam
- 18-09-2019[ẢNH] Hàng chục xe chuyên dụng, hơn 100 cảnh sát bao vây trụ sở Công ty Địa ốc Alibaba
- 18-09-2019[Video]: Khám xét trụ sở và bắt giam Giám đốc Công ty Alibaba
- 18-09-2019Công an bắt ông Nguyễn Thái Lĩnh và đang khám xét trụ sở Công ty Alibaba
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, chiều 18-9, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba), đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Công an TP cũng đã bắt Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba). Nguyễn Thái Luyện bị bắt trong trường hợp bắt người khẩn cấp.
"Vẽ" dự án
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an TP HCM và công an Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận điều tra, xác minh các sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Alibaba (địa chỉ số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM) và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô bán đất nền trên địa bàn TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Công an làm việc với các ông Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh tại trụ sở Công ty Alibaba chiều 18-9 Ảnh: SỸ HƯNG
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên, tự "vẽ" các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng đã huy động tiền của hàng ngàn khách hàng để chiếm đoạt.
Cụ thể, hàng loạt dự án phân lô bán nền trái phép của công ty này ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP HCM được thổi phồng thành những nơi đầu tư, an cư lý tưởng. Tin những lời có cánh từ các nhân viên của công ty, hàng ngàn khách hàng bỏ ra số tiền hàng trăm tỉ đồng để đầu tư nhưng có nguy cơ bị mất trắng khi những dự án này bị đình chỉ, cưỡng chế.
Mở rộng điều tra
Theo Công an TP HCM, trước đó, Công an TP đã chỉ đạo Công an phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) tiếp nhận đơn tố cáo, trình báo của người dân đối với Công ty Alibaba. Những thông tin về người tố cáo được chuyển về phòng nghiệp vụ Công an TP điều tra, xử lý theo quy định. Cùng với việc thực hiện chỉ đạo từ Bộ Công an, thời gian qua, Công an TP đã mời một số khách hàng lên trụ sở cung cấp thông tin khi mua dự án, đất nền của Công ty Alibaba.
"Hiện nay, Công an TP vẫn đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của các bị can, mở rộng điều tra các đối tượng liên quan và thu hồi tài sản về cho người dân. Công an TP đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất, các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (địa chỉ số 674 đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10) và công an 24 quận, huyện để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra" - Công an TP phát thông báo.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo, hiện có 130 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa, lập dự án đầu tư trái phép. Các cơ quan chức năng đã cưỡng chế 94 trường hợp, còn 36 trường hợp đang tiếp tục thực hiện cưỡng chế (thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ). Khu đất lập dự án trái phép có diện tích lớn nhất là khu đất 13 ha của ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên chủ đất ở xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Công ty Alibaba rao bán đất nền dưới tên dự án "Alibaba Tân Thành Center City 1".
Tại tỉnh Bình Thuận, Công ty Alibaba đăng tải rầm rộ trên mạng xã hội để bán đất nền "dự án Thắng Hải Newtimes City" tại xã Thắng Hải với quảng cáo đây là một "siêu phẩm", "đất nước Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận" kèm theo thông tin giới thiệu dự án 35 ha, đã được phân ra hơn 1.800 nền, giá bán 1,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết khu đất này trồng cây keo lá tràm, đang khai thác, chưa có tác động gì đến việc san lấp mặt bằng do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của 3 hộ dân. Ngoài ra, Công ty Alibaba tiếp tục mở bán dự án có tên gọi là Ali Venice City ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân nhưng theo UBND xã Tân Phúc, không hề có dự án nào có tên gọi như vậy trên địa bàn và xã cũng đã gắn bảng cảnh báo.
Không chỉ sai phạm trong kinh doanh bất động sản, Nguyễn Thái Luyện còn có những phát ngôn gây sốc, coi thường chính quyền, công an và đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt hành chính. Một số nhân viên của công ty này đã bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt về hành vi chống người thi hành công vụ và Công an TP HCM bắt về hành vi cố ý gây thương tích.
Khám xét tại Đồng Nai
Cũng trong chiều 18-9, lực lượng thuộc Bộ Công an đã tổ chức khám xét các chi nhánh, văn phòng Công ty Alibaba tại các xã Long Phước, Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết lực lượng công an đã tổ chức khám xét tại 2 văn phòng công ty và mang đi các tài liệu. Xã Long Phước, huyện Long Thành là nơi công ty vẽ ra đến 19 "dự án" trong tổng số 29 "dự án" ở Đồng Nai, trên các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc. Tỉnh Đồng Nai khẳng định chưa có dự án nào của Công ty Alibaba tại tỉnh này được cấp phép.
Người lao động