MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lao động khốn đốn, vì sao chưa doanh nghiệp trốn đóng BHXH nào bị xử lý hình sự?

23-10-2021 - 14:43 PM | Xã hội

Người lao động khốn đốn, vì sao chưa doanh nghiệp trốn đóng BHXH nào bị xử lý hình sự?

Suốt mấy năm không xử lý hình sự được trường hợp gian lận, trốn đóng BHXH nào dù Bộ luật Hình sự đã quy định rõ, các ĐBQH cho rằng cần phải tháo gỡ những vướng mắc để xử lý nhằm tăng tính răn đe.

Trong phần thảo luận ở Tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới tình trạng doanh nghiệp cố tình gian lận, trốn đóng BHXH, gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, số nợ BHXH lên tới hàng nghìn tỷ đồng, với rất nhiều nợ gần như không có khả năng thu hồi, cho thấy đây vấn đề lớn.

ĐBQH Lâm Văn Đoan đoàn Lâm Đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh nợ BHXH là vấn đề nan giải, tăng lên hàng năm và đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản không có khả năng đóng BHXH cho người lao động, dẫn tới những thiệt thòi cho họ.

Ông Đoan cũng cho biết dù cơ quan chức năng có ban hành xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực đóng BHXH này nhưng việc xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự lại gần như không thể thực hiện được. Điều này đặt ra vấn đề cần phải rà soát lại việc xử phạt của các cơ quan tranh tra để tìm hiểu tại sao lại không xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.

"Các giải pháp về mặt pháp luật bao giờ cũng là lựa chọn cuối cùng, khi không còn giải pháp nào khác. Khi xử lý hình sự với một doanh nghiệp, một chủ doanh nghiệp, sẽ có những hệ lụy bao gồm nhiều lao động sẽ mất việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ bảo hiểm xã hội lớn như vậy, cần phân loại ra xem doanh nghiệp nào chây ì nhiều, có khả năng tài chính nhưng trốn đóng, gây thiệt hại lớn cho người lao động để xử lý hình sự, tạo ra sự răn đe", ĐBQH Lâm Văn Đoan cho biết.

Người lao động khốn đốn, vì sao chưa doanh nghiệp trốn đóng BHXH nào bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu trong phiên họp tổ (ở tổ khác), Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng, còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp trốn, chậm, nợ đóng BHXH. Tỷ lệ chây ì khó thu hồi trên 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ do doanh nghiệp gặp khó khăn và cũng có khả năng khó đòi là 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước băn khoăn của một số ĐBQH về việc khởi kiện, xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra thực tế là theo quy định, công đoàn được người lao động ủy quyền thực hiện những vấn đề này. Tuy nhiên, nếu chỉ một vài người trong doanh nghiệp không ủng hộ thì công đoàn cũng không thể làm được.

"Cũng phải nói thẳng, đa phần cán bộ công đoàn cơ sở đang ăn lương của công chủ, chẳng lẽ họ đi kiện ngược lại ông chủ. Hay việc được ủy quyền nhưng công đoàn không nắm được cơ sở dữ liệu nên cũng không có căn cứ để đi kiện", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Ông Dung cũng nêu ra nỗ lực của Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm khởi kiện doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH nhưng cũng "không ăn thua".

Trong khi đó, Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao), ban hành tháng 8/2019, nhằm hướng dẫn áp dụng điều 214 (Bộ Luật hình sự) về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cũng không thể hiện được nhiều hiệu quả. Vấn đề đặt ra là khó có thể xử lý hình sự được pháp nhân. Ngoài ra, việc phân biệt được giữa hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXN rất khó.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc không thể xử lý hình sự được trường hợp trốn đóng BHXH nào trong suốt 3 năm qua là "có vấn đề". Ông Tùng cho biết những vướng mắc cần được tìm giải pháp để gỡ nút thắt và cũng cần xử lý hình sự các doanh nghiệp trây ì, trốn đóng BHXH để răn đe và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên