Vì sao chứng khoán thường giảm mạnh vào ngày thứ Hai?
Theo thống kê từ đầu năm cho thấy, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm mạnh hơn hẳn vào phiên thứ hai đầu tuần. Cụ thể, trong 34 phiên giao dịch vào thứ hai, thị trường giảm tới 23 phiên và chỉ có 11 phiên tăng điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua thêm một ngày "Black Monday" khi VN-Index lại giảm mạnh gần 29 điểm lùi sâu về mốc 1.205 điểm. Sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí hàng trăm mã giảm sàn trên toàn thị trường. Đà giảm mạnh của chứng khoán Việt Nam đồng pha với những diễn biến tiêu cực của chứng khoán Mỹ thời gian gần đây. Hiện tại, giới đầu tư toàn cầu đang "nín thở" chờ động thái tăng lãi suất của Fed kỳ họp 21/9 tới.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà cái tên "Black Monday" - từ mô tả sự sụt giảm của thị trường vào đầu tuần trở nên phổ biến như vậy. Theo thống kê từ đầu năm cho thấy, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm mạnh hơn hẳn vào phiên thứ hai đầu tuần.
Cụ thể, trong 34 phiên giao dịch vào thứ hai, thị trường giảm tới 23 phiên và chỉ có 11 phiên tăng. Đáng chú ý, những phiên thị trường giảm vào thứ hai cũng rất mạnh. Tính chung trong những phiên thị trường giảm mạnh nhất kể từ đầu năm chủ yếu là vào thứ hai.
Đơn cử như những phiên giao dịch đầu năm như phiên 25/4, VN-Index giảm đến 68 điểm, phiên 9/5 giảm 60 điểm, phiên 13/6 giảm 57 điểm, phiên 17/1 giảm 43 điểm và nhiều phiên khác giảm trên 20 điểm. Sự phục hồi của thị trường trong thời gian gần đây khiến số phiên giảm mạnh vào thứ Hai cũng phần nào thu hẹp. Song phiên 19/9 vừa diễn ra, VN-Index đã ghi nhận mức giảm đến 28 điểm.
Bàn về phiên giảm mạnh vào thứ Hai, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng, hiện thời gian giao dịch rút ngắn còn 1,5 ngày. Nhà đầu tư có tâm lý bán ra trước để chuẩn bị trước tiền sẵn có, chờ “bắt đáy” với giá tốt hơn nếu thị trường giảm mạnh sau cuộc họp tăng lãi suất của Fed diễn ra vào ngày 21/9.
Bên cạnh đó, lý giải về sự biến động của thị trường trong các phiên thứ hai, giới chuyên gia cho rằng hiệu ứng "Black Monday" là xu hướng chung trên thế giới. Nguyên nhân thị trường biến động mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần sở dĩ bởi các thông tin xấu về doanh nghiệp, về thị trường thường được công bố sau giờ giao dịch của ngày thứ sáu.
Theo chuyên gia từ SSI, thông tin xấu thường xuất hiện vào ngày cuối tuần khiến nhà đầu tư có thêm thời gian suy nghĩ kỹ về những tác động của thông tin. Sau đó, nhà đầu tư thường đưa ra quyết định vào thứ hai thay vì hành động vội vàng trong giờ giao dịch.
Chính bởi tin xấu thường xuất hiện vào cuối tuần tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, hiệu ứng cuối tuần của tin xấu đôi khi càng tạo hiệu ứng xấu hơn vào thứ hai, lúc đó sẽ có các phiên giảm mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia lý giải thêm xác suất giảm điểm mạnh vào phiên thứ sáu do nhà đầu tư đối mặt với áp lực bán mạnh hơn, bởi thị trường trong các ngày nghỉ cuối tuần có thể có nhiều diễn biến không thể dự đoán trước.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng những thông tin mới thường được công bố trong ngày cuối tuần là nguyên nhân chính khiến thị trường biến động mạnh trong phiên đầu tuần.
Chuyên gia HSC cũng cho rằng xác suất giảm mạnh trong phiên đầu tuần không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc giá khác. Đưa ra dẫn chứng về nghiên cứu khảo sát sự biến động của các chỉ số thị trường chứng khoán trong các ngày trong tuần nhận thấy biến động cao nhất xảy ra vào thứ Hai đối với Đức và Nhật Bản, vào thứ Sáu đối với Canada và Hoa Kỳ.
Nhìn nhận về diễn biến tiêu cực của thị trường, ông Huy cho rằng vùng điểm 1.180-1.200 điểm rất quan trọng, nếu thủng vùng này khả năng sẽ test đáy, thậm chí thủng đáy. Hiện các chỉ báo động lượng sắp về vùng quá bán, khi thị trường quá bán, khả năng lực bắt đáy sẽ quyết liệt hơn.
Nhìn về độ rộng thị trường, chuyên gia cho rằng đã có khoảng 85% cổ phiếu HOSE đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn, đây là biểu hiện của tâm lý bi quan sắp cùng cực và là vùng dễ đảo chiều. Do đó, trong bối cảnh nhiều biến động cả trong nước và quốc tế khiến dự báo đáy hay chưa là khó đoán.
Tuy nhiên tâm lý đang dần chuyển sang trạng thái bi quan cùng cực, dễ xuất hiện những phiên hồi ở vùng đệm thị trường. Với bối cảnh đã nêu ở trên, các nhịp hồi là cơ hội cơ cấu danh mục, các vị thế yếu, hết triển vọng. Việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp đến vừa phải nên được ưu tiên, không vội bắt đáy quá đà.
Nhịp sống thị trường