Vì sao có hiện tượng doanh nghiệp quy mô 100 người thì tới 25 nhân viên làm việc vật vờ tại Việt Nam?
Khảo sát của Anphabe cũng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm 25%. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc.
Một khảo sát cách đây không lâu của Anphabe trên 26.000 làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Trong nhóm 39,3% nhân sự thờ ơ thì có tới 2/3 vẫn ở lại công ty. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, không có mục tiêu phấn đấu hay có thể gọi họ là những zombie công sở.
Khảo sát của Anphabe cũng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm 25%. So sánh với mức 26% trung bình của thế giới, con số này gần tương đương. Hay nói một cách dễ hình dung hơn, công ty có quy mô 100 nhân viên thì có tới 25 nhân viên làm việc thờ ơ. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc. Anphabe cũng cho biết thêm xu hướng zombie đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khi Gen Y (những người sinh năm 1994-1998) lên tới gần 31%.
Một con số khác phản ánh tác động của những nhân viên zombie này là trong khi số ngày nghỉ bệnh trung bình chỉ 4 ngày/năm thì trung bình số ngày họ đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.
Vậy vì sao lại có hiện tượng nhân viên làm việc không có động lực như vậy? Thông thường, yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với nghề nghiệp của nhân viên được biểu hiện như sau:
Chế độ trả lương thiếu hợp lí
Yếu tố kinh tế như tiền lương, phúc lợi, tiền thưởng là yếu tố nền tảng nhất, trực tiếp nhất quyết định sự gắn bó với nghề nghiệp của nhân viên. Hay nói cách khác, mức lương phát cho nhân viên hàng tháng của các doanh nghiệp khá thấp, hơn nữa mức lương ở mỗi doanh nghiệp lại không giống nhau.
Một mặt, lương thấp khó có thể đáp ứng được chất lượng sống của nhân viên, những cống hiến của nhân viên không được đền đáp bằng mức lương tương ứng, khiến cho nhân viên không thể tập trung toàn bộ sức lực vào công việc.
Mặt khác, so với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có mức lương thấp thường thiếu khả năng cạnh tranh, nhân viên của công ty dễ bị dao động bởi mức lương hấp dẫn hơn ở công ty khác và sẽ chuyển việc. Ngoài ra, chế độ lương của một vài doanh nghiệp không phân mức độ rõ rệt. Nhân viên có cống hiến nhiều, tận tụy làm việc cũng hưởng mức lương giống với nhân viên có cống hiến ít và không tận tụy làm việc, khiến cho các nhân viên bất mãn, từ đó mất đi tính tích cực, tiến thủ và khả năng gắn bó lâu dài với nghề.
Trình độ đánh giá thiếu tính khoa học, hợp lí
Đánh giá trình độ làm việc của nhân viên là một trong những công việc cần thiết của doanh nghiệp, cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần tận tụy làm việc của nhân viên. Nếu không đánh giá công khai, công bằng thì sẽ không những không đánh giá được trình độ cao - thấp, tốt - xấu của nhân viên, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc của nhân viên.
Người quản lí đánh giá phiến diện, chủ quan sẽ khiến nhân viên bất bình, khiến họ không còn tín nhiệm người quản lí và doanh nghiệp, tạo ra tâm lí tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tận tụy, gắn bó với nghề của nhân viên. Kết quả đánh giá không công bằng, hợp lí sẽ tổn hại đến tính tích cực, chủ động và cảm giác thành công của nhân viên.
Cũng như vậy, cho dù kết quả đánh giá có trung thực, chính xác, tiến hành đánh giá định kì và công bố kết quả đánh giá, nhưng nếu không có biện pháp thưởng phạt rõ ràng đối với nhân viên giỏi và nhân viên kém thì cũng không đem lại tác dụng khích lệ thực sự. Nhân viên làm trong doanh nghiệp này sẽ cảm thấy rằng dù mình "làm nhiều làm ít, làm tốt hay không tốt đều giống nhau", tức là cho dù mình có làm việc xuất sắc hơn yêu cầu công việc và vị trí nghề nghiệp cũng không được ai công nhận.
So với những nhân viên làm việc có hiệu quả thấp, cho dù mình có tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cũng không được đãi ngộ tốt hơn, còn những nhân viên làm việc kém vẫn được hưởng mức lương giống mình. Nếu cảm giác này tiếp diễn trong thời gian dài, một nhân viên vốn gắn bó với nghề cũng sẽ có tâm lí tiêu cực, chán nản. Như vậy có nghĩa là thái độ gắn bó, tận tụy với nghề sẽ giảm đi rất nhiều.
Doanh nghiệp không coi trọng, không công nhận cống hiến của nhân viên
Không ai muốn mình là người cống hiến mà chẳng ai biết đến và không có bất cứ sự báo đáp nào. Bất cứ ai cũng muốn được người khác coi trọng và công nhận. Bất cứ nhân viên nào cũng hi vọng được công ty coi trọng, hi vọng thành quả lao động của mình được công ty công nhận.
Nếu doanh nghiệp và lãnh đạo coi trọng nhân viên làm việc tích cực, có thành tích kinh doanh tốt, tạo không gian phát triển cho nhân viên, tạo mọi điều kiện cần thiết cho nhân viên làm việc, tin tưởng và cho họ được làm việc tự do thì sẽ kích thích được động lực và sự nhiệt tình làm việc của nhân viên, đặt nền tảng vững chắc cho sự tận tụy, gắn bó của nhân viên với công ty.
Nhưng tình hình thực tế lại là: Người quản lí thường nghĩ rằng mình rất bận rộn, không có thời gian quan tâm nhiều đến nhân viên. Họ cũng cho rằng chế độ làm việc hiện tại đã đủ để doanh nghiệp vận hành phát triển bình thường nên không cần mất nhiều thời gian giao lưu, bàn bạc với nhân viên. Do vậy, có rất nhiều người quản lí không coi trọng nhân viên, họ coi nhân viên là "bộ máy" trong dây chuyền sản xuất kinh doanh, nghĩ rằng không có họ còn có người khác, công việc họ không làm thì đã có người khác thay thế. Cho dù nhân viên có đạt được thành tích cũng cho rằng đó là nhiệm vụ của họ, không những không thưởng bằng vật chất, mà ngay cả những lời động viên, khích lệ tinh thần cũng không có.
Trong công việc hàng ngày của nhân viên, người quản lí chỉ đóng vai trò là người giám sát, khiến nhân viên có cảm giác mình không được tín nhiệm. Nếu nhân viên nào đó có phương pháp mới, cách làm mới, thì phản ứng đầu tiên của người quản lí là có thái độ nghi ngờ và phủ định, thậm chí không tạo điều kiện và không gian làm việc sáng tạo cho nhân viên…
Không xem xét đến kế hoạch làm việc và sự phát triển lâu dài của nhân viên
Nhân viên thường yêu cầu doanh nghiệp tạo cho họ môi trường phát triển và trưởng thành, doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu này hay không cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn bó nghề nghiệp của nhân viên. Nhân viên làm việc trong doanh nghiệp một thời gian, nếu phát hiện bản thân không thể thực hiện được kế hoạch và mục tiêu lâu dài trong doanh nghiệp này thì mức độ gắn bó với nghề của họ cũng giảm.
Trí thức trẻ