Vì sao có ngân hàng giảm lãi cho khách tới trăm tỷ, nghìn tỷ mà có ngân hàng lại chỉ giảm vỏn vẹn vài tỷ?
Agribank dẫn đầu danh sách khi giảm lãi tới hơn 4.700 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với 1.032 tỷ. MB là ngân hàng tư nhân giảm lãi tích cực nhất với 550 tỷ đồng, song có ngân hàng lại chỉ giảm lãi được 3 - 5 tỷ đồng.
- 29-09-202116 ngân hàng đã giảm bao nhiêu tiền lãi cho khách hàng?
- 26-09-2021Lãi suất tiền gửi giảm từ 14% xuống chỉ còn 4%/năm, đâu là nguyên nhân?
- 20-09-2021NHNN: Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm 1,55%/năm, tăng trưởng tín dụng hết tháng 8 đạt 7,42%
Như chúng tôi đã phản ánh, chiều 29/9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố kết quả giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại. Theo đó, từ 15/7 - 31/8 các ngân hàng gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, LienVietPostBank, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank và Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi cho khách hàng tổng cộng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Các "ông lớn" Big4 giảm lãi nhiều nhất, trong đó Agribank giảm tới 4.726 tỷ đồng, BIDV giảm cho khách hàng 1.032 tỷ, VietinBank giảm 857 tỷ, Vietcombank giảm 943 tỷ đồng.
Nhóm 12 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có MBB giảm lãi nhiều nhất với 550 tỷ đồng, bỏ xa ngân hàng thứ 2 là Tecchombank với 155 tỷ đồng và VPBank 137 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại cũng giảm lãi vài chục tỷ đồng cho khách tuy nhiên có 2 trường hợp là VIB và SeABank lại chỉ giảm lãi được lần lượt 5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Đến đây đặt ra câu hỏi, vì sao có ngân hàng giảm lãi cho khách tới trăm tỷ, nghìn tỷ mà có ngân hàng lại chỉ giảm vỏn vẹn vài tỷ?
Liên hệ với đại diện của SeABank, ngân hàng này cho biết, số liệu nói trên là tính đến hết tháng 8, thời điểm đó SeABank chưa nhận được nhiều hồ sơ xin giảm lãi của khách hàng. Sang tháng 9, nhiều khách hàng được hỗ trợ giảm lãi hơn nên số liệu thời gian tới sẽ thay đổi nhiều. Ngoài ra, từ tháng 4/2021 SeABank cũng đã chủ động giảm 0,3% lãi suất cho khách hàng cá nhân đang vay vốn, đồng thời triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Theo đại diện của VIB, ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi để hỗ trợ khách hàng từ trước đó. Trong giai đoạn của kỳ báo cáo (từ 15/7 - 31/8) VIB vẫn đang giảm tiếp để hỗ trợ khách hàng. Do đã triển khai nhiều đợt giảm lãi nên mặt bằng lãi suất của VIB đang ở mức thấp vì thế dư địa giảm thêm lãi suất cho vay từ 15/7 là khá hạn hẹp. Ngoài giảm lãi suất, ngân hàng này còn có thêm các hình thức hỗ trợ khách hàng khác như cơ cấu thời gian trả nợ, giảm phí cho khách hàng. Hay như với khách hàng thẻ, VIB miễn lãi và đưa mức thanh toán số dư tối thiểu về 0 đồng, áp dụng trả góp 0% lãi suất trong 3 tháng cho khách hàng thẻ…
Ngân hàng MB - đơn vị giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng ở nhóm ngân hàng tư nhân tính đến thời điểm này thì chia sẻ rằng, ngay từ đầu MB đã rất chủ động, tích cực giảm lãi cho khách hàng. "Chúng tôi thông tin đến khách hàng về việc giảm lãi bằng văn bản và tin nhắn. Các thủ tục diễn ra rất đơn giản, chúng tôi thông báo tới khách hàng để tự đồng giảm trên hệ thống" - ông Phạm Như Ánh, Thành viên ban điều hành MB cho biết. Trong 5 tháng cuối năm 2021, MB xác định giảm lãi tổng cộng 1.000 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.