Vì sao có người không tán thành đưa thị xã Bến Cát lên thành phố?
Đề án thành lập thị xã Bến Cát (Bình Dương) lên thành phố dù phần lớn cử tri tán thành nhưng không ít người muốn giữ nguyên vì cho rằng chưa xứng tầm và lo sợ các loại phí, thuế tăng.
Ngày 12/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký ban hành văn bản về tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.
Theo đó, quy mô dân số thị xã Bến Cát có 355.663 người (tính đến 31/12/2021), bao gồm dân số thường trú là 118.443 người, dân số tạm trú đã quy đổi là 237.220 người. Tổng số cử tri là 83.707 người.
Số cử tri tham gia ý kiến Đề án thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương (Đề án) có 83.587 người, đạt tỷ lệ 99,86%. Số cử tri tán thành Đề án là 82.998 người, đạt tỷ lệ 99,15% so với tổng số cử tri và đạt tỷ lệ 99,30% so với số cử tri được lấy ý kiến.
Số cử tri không tán thành Đề án 569 người, chiếm tỷ lệ 0,68% so với tổng số cử tri và tỷ lệ 0,68% so với số cử tri được lấy ý kiến.
Đường vào trung tâm hành chính thị xã Bến Cát.
Cử tri không tán thành Đề án với các lý do, sau khi thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương thì các loại thuế, phí sẽ tăng; phải thay đổi lại các loại giấy tờ có liên quan. Ngoài ra, cử tri cho rằng địa phương cần đầu tư chỉnh trang đô thị thêm.
Đối với cử tri tán thành, họ cho rằng việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương rất ý nghĩa và là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói chung và Bến Cát nói riêng.
Được biết, Đề án thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của xã An Điền, xã An Tây và thị xã Bến Cát.
Tiền Phong