Vì sao có những ngân hàng nhiều năm không trả cổ tức?
Trong nhiều năm qua, Techcombank, Sacombank, PG Bank và NCB đã không thực hiện trả cổ tức vì các nguyên nhân khác nhau.
- 08-05-2023LienVietPostBank chuẩn bị trả cổ tức, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
- 07-05-2023Vietcombank chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ hơn 18%, tăng vốn lên trên 55.000 tỷ đồng
- 05-05-2023Ngân hàng trả cổ tức tiền mặt: Lãnh đạo VIB nhận được cả trăm tỷ, gia đình chủ tịch VPBank dự thu nghìn tỷ
Cứ đến mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng, vấn đề phân phối lợi nhuận, chia cổ tức lại trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Bên cạnh các ngân hàng có lịch sử chi trả đều đặn, thậm chí bắt đầu trả tiền mặt, vẫn còn nhiều nhà băng bỏ ngỏ kế hoạch trả cổ tức trong năm nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong năm 2023, Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Qua đó đưa tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 lên hơn 58.000 tỷ đồng - cao nhất hệ thống.
Như vậy, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.
Vấn đề cổ tức liên tục được cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng trong các đại hội gần đây.
Trong cuộc họp năm 2021, nói về nguyên nhân không phát hành cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu như các ngân hàng khác, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho rằng, vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý.
Tại đại hội năm nay, Chủ tịch Techcombank tiếp tục nhấn mạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Khi trả cố tức theo hình thức này, cổ đông vẫn sẽ phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân khi bán cổ phiếu.
Chủ tịch Techcombank cũng cho biết, tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT ngân hàng đã trình kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó bổ sung hơn 32 nghìn tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn.
Về cổ tức tiền mặt, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị. “Tôi từng nói với năm 2013 là 10 năm sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay vừa đúng năm thứ 10, tôi chưa thể nói gì sắp tới, nhưng mọi việc có thể xem xét”. Ông Hùng Anh nhấn mạnh, quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động hiệu quả. Đối với các quyền lợi của cổ đông, như cổ tức, giá cổ phiếu, ngân hàng vẫn luôn quan tâm, xem xét.
Cổ đông Sacombank cũng không được nhận cổ tức trong liên tục trong 7 năm qua. Năm 2023, Sacombank tiếp tục đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022, đưa lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến lên hơn 12.672 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông, nhiều cổ đông than phiền việc nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức. Với nguồn lợi nhuận giữ lại luỹ kế ở mức cao, cổ đông kỳ vọng có thể sớm chia cổ tức.
Trước mong mỏi của cổ đông, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.
Theo ông Minh, Sacombank đã trình phương án tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.
“Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất ở đây, các thành viên trong HĐQT và Ban điều hành cũng là cổ đông và cũng muốn chia cổ tức. Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ phấn đấu là năm cuối cùng giải quyết các tồn đọng này. Khi giải quyết xong vấn đề sẽ được chia cổ tức và chúng tôi cố gắng để hết năm nay để không còn phải nhận những lời than phiền về vấn đề cổ tức như vậy. Và khi được chia cổ tức chúng tôi cũng muốn chia hết luôn cho cổ đông chứ không phải lo giữ lại làm gì.”, ông Minh nói tại ĐHCĐ thường niên 2023.
Bên cạnh các ''ông lớn'', PG Bank không tiến hành chia cổ tức trong cả chục năm qua. Trong năm 2023, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông.
Nguyên Chủ tịch PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết, năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa trình kế hoạch chia cổ tức do cổ đông lớn Petrolimex vừa tiến hành thoái vốn. Lợi nhuận tích lũy của PG Bank đến thời điểm hiện tại khoảng 1.267 tỷ đồng. Nếu chia cổ tức thì PG Bank có khả năng chia đến khoảng hơn 40%. Việc chia cổ tức trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các quyết định của các cổ đông mới.
NCB cũng đã trải qua cả một thập niên không chi trả cổ tức. Lần gần nhất ngân hàng này trả cổ tức diễn ra vào năm 2011 với tỷ lệ hơn 7,5% bằng tiền mặt.
Hiện ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN, bên cạnh đó với kết quả kinh doanh luôn ở mức thấp nhất hệ thống thì khả năng chia cổ tức trong thời gian tới là rất thấp.
Nhịp sống Thị trường