MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất điện dư phát lên lưới giá 0 đồng?

Cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nếu dư phát lên lưới với giá 0 đồng, được cho là nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống điện, hỗ trợ nhà đầu tư.

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với nhiều dự thảo cơ chế phát triển ngành điện lực trong đó có Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, lắp đặt trên mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp. Theo đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất điện dư phát lên lưới ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.

Đề xuất này cũng đã nhận được một số ý kiến của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người dân đề xuất cho phép bán lên lưới lượng điện dư thừa.

Vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất điện dư phát lên lưới giá 0 đồng?- Ảnh 1.

Quy định việc phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, theo lý giải của cơ quan soạn thảo, vì phát triển điện mặt trời mái nhà không cần điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch, càng không bị điều chỉnh bởi những tiêu chí khắt khe của Luật Điện lực, nếu đã cho phát lên lưới điện quốc gia, lại cho bán điện giống như cơ chế DPPA, thì sẽ dẫn đến trạng thái trục lợi chính sách.

Trong bối cảnh điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, sẽ ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.

Trong khi nhiều doanh nghiệp mong muốn được nối lưới để bán phần điện dư thừa hoặc khi thiếu điện có thể sử dụng điện lưới, nhưng rõ ràng nhìn ở góc độ cơ quan quản lý, việc đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia phải đặt lên hàng đầu. Bởi hệ thống lưới điện là do Nhà nước đầu tư thông qua EVN, trong khi nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết.

Mặc dù ngành điện Việt Nam trong những năm qua đã có sự đầu tư, đổi mới công nghệ nhanh chóng, được đánh giá nằm trong Top đầu của các nước khu vực ASEAN, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau, bởi để làm được điều đó, phải có công nghệ lưu trữ, công nghệ vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm.

Vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất điện dư phát lên lưới giá 0 đồng?- Ảnh 2.

Hệ thống lưới điện của Việt Nam ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại (Ảnh minh họa: Đình Dũng)

Chưa kể, chúng ta chưa có công nghệ lưu trữ, kể cả khi có thì giá thành bán điện cũng chẳng hề rẻ. Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng khách hàng và người mua EVN, khi doanh nghiệp này vừa phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ chính trị đầu tư đảm bảo cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Cùng với đó ,giá điện phải phù hợp với điều kiện thu nhập, điều kiện sống của người dân, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do vậy chính sách không khuyến khích sản lượng dư thừa đưa lên lưới, nếu không hệ thống điều độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ “rã lưới” nếu điện mặt trời sụt giảm công suất đột ngột trong khi điện nền không kịp thời bổ sung.

Thậm chí, nếu cho hòa lưới thì công tác vận hành lưới điện của EVN gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn lưới điện cao. Nếu như chỉ vài hộ gia đình thì không sao, nhưng cả chục nghìn đến trăm nghìn hộ hoặc cao hơn nữa có sản lượng điện dư thừa phát lên lưới thì nguy cơ mất an toàn hệ thống điện là hiện hữu.

Do đó, chính sách đưa ra chỉ khuyến khích lắp đủ dùng và cho phép hòa lưới (giá 0 đồng) để giúp các hộ gia đình đảm bảo an toàn thiết bị điện trong nhà. Chính sách này cũng nhằm khuyến khích các hộ gia đình đầu tư pin lưu trữ.

Hiện cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam vẫn còn hạn chế chưa thể bằng các nước phát triển như: Mỹ, ÚC, EU… tuy nhiên so với các nước trong khu vực và đang phát triển, hạ tầng lưới điện Việt Nam đã có những cải tiến và đang từng bước hiện đại hóa, chẳng thế mà tỷ trọng năng lượng tái tạo ( điện gió, mặt trời, sinh khối) của Việt Nam thời gian qua đã lên đến 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Dự thảo nghị định đưa ra như vậy là bởi bản chất là điện mặt trời không ổn định, dù có mua điện mặt trời hay không thì EVN vẫn phải đảm bảo việc cung ứng điện. Khi không có nắng thì doanh nghiệp buộc phải huy động một hoặc hai tổ máy nhiệt điện khác để bù vào. Do tính không ổn định của năng lượng tái tạo mà cụ thể ở đây là điện mặt trời, nên điện nền ( điện than, điện khí, thủy điện) không thể cứ tắt rồi lại mở tổ máy liên tục được vì có thể gây lãng phí nhiên liệu khởi động, hỏng hóc thiết bị… Do đó, chính sách không “mặn mà” với việc mua điện mặt trời. Chỉ khi nào Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân có thể dễ dàng thay đổi công suất nền thì EVN mới tự tin mua điện mặt trời

Thêm vào đó, điện mặt trời phụ thuộc thời tiết nên không biết được bao nhiêu điện sẽ được phát lên lưới để cân đối với nhiệt điện sao cho đảm bảo an toàn trong truyền tải và sự ổn định nguồn cho sản xuất.

Vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất điện dư phát lên lưới giá 0 đồng?- Ảnh 3.

Năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết

Nếu nguồn điện năng lượng tái tạo sụt giảm đột ngột mà không có nguồn điện nền bổ sung ngay lập tức, hệ thống lưới điện sẽ bị “rã lưới” trong khi phải mất trung bình 3-4h nhiệt điện mới có thể bổ sung và điều chỉnh công suất. Trong khi, hệ thống điện luôn phải đảm bảo cân bằng cung cầu điện, khi mất cân bằng sẽ gây tăng sụt áp làm hư hỏng, giảm tuổi thọ các thiết bị điện thậm chí gây cháy nổ, rã lưới lúc đó thiệt hại kinh tế và tiền đi sửa còn tốn hơn tiền tiết kiệm than và mỗi nhà tự đi đầu tư lưu trữ.

Nhà máy nhiệt điện dù không phát điện lên lưới thì họ cũng luôn phải cho lò hơi vận hành dù ở chế độ standby vì nếu dừng hoạt động thì việc khởi động lại để phát điện một tổ máy là rất mất thời gian và chi phí.

Trong thời gian lò vẫn hoạt động mà không phát được lên lưới thì đồng nghĩa vẫn tiêu thụ nguyên nhiên liệu và EVN khi mua thì phải trả chi phí cho việc đó.

Vì thế, mọi quy định hay dự thảo chính sách đều phải xây dựng từ thực tế và điều kiện cụ thể.


Theo Thu Hường

Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên