MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao con số gần 20.000 người Việt Nam có tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên là thấp hơn nhiều so với thực tế?

Vì sao con số gần 20.000 người Việt Nam có tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên là thấp hơn nhiều so với thực tế?

Cần 160.000 USD để vào top 1% tại Việt Nam? Số người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam trong năm 2020 chỉ có 19.491 người? Liệu những thống kê này của Knight Frank có phản ánh đúng tài sản giới giàu và siêu giàu của Việt Nam?

Báo cáo mới nhất của hãng Knight Frank cho biết, để lọt top 1% dân số giàu nhất tại Việt Nam, lượng tài sản ròng mà một cá nhân cần sở hữu là khoảng 160.000 USD. Con số này khi so với các quốc gia như Thuỵ Sỹ, Mỹ hay Trung Quốc vẫn được coi là tương đối thấp.

Số liệu thống kê vẫn chưa phản ánh thực tế?

Đối với nhóm người siêu giàu (ultra-high-net-worth individual - UHNW, những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên), tại Việt Nam con số này là 390 người trong năm 2020. Tại Mỹ là 180.100 người, tại Trung Quốc là 70.400 người.

Ngoài ra, số người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam trong năm 2020 cũng giảm 6% so với năm 2019, xuống còn 19.491. Tuy nhiên, số liệu này lại mang đến nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, liệu Việt Nam có thực sự "nghèo" như vậy?

Trao đổi với Trí Thức Trẻ về chủ đề này, chuyên gia của một quỹ đầu tư thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam "giàu" hơn thế, bởi số liệu hãng Knight Frank vẫn chưa bao quát hết mọi khía cạnh. Tại một số quốc gia, điển hình như Mỹ hay Úc, cơ sở dữ liệu về giá trị bất động sản theo giá trị trường sẽ được đưa vào thống kê. "Vì họ đánh thuế trên giá trị bất động sản theo giá thị trường".

Khi đánh giá về tổng tài sản, các hãng thống kê sẽ dễ dàng tính toán những giá trị tài sản rất sát với giá thị trường. Ở các quốc gia khác, khi giá nhà tăng lên sẽ được quy vào thu nhập bất thường và người dân phải chịu thuế. Tuy nhiên tại Việt Nam, giá nhà tăng sẽ không có bộ phận nào cập nhật thông tin nhanh chóng như vậy được.

Lý do là luật thuế và hệ thống thông tin của Việt Nam vẫn chưa thích hợp để có thể đánh giá chính xác và kịp thời, do vậy con số 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) để lọt top 1% người giàu nhất Việt Nam là chưa phản ánh thực tế. Đặc biệt là khi bất động sản tại Việt Nam là tài sản lớn nhất của mỗi người dân.

Dư địa để giàu vẫn nhiều hơn thống kê

Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) năm 2021 của Knight Frank dự báo, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 cá nhân sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.

Thực tế, giá trị tài sản ròng như chứng khoán, bất động sản... phụ thuộc vào lượng tiền mà Nhà nước và người dân sẽ bơm vào thị trường để đầu tư. Trong đó có 2 nguồn vốn, bao gồm: vốn chủ sở hữu và vốn vay. 

Tại các quốc gia khác, người dân sử dụng triệt để đòn bẩy tài chính là vốn vay. Trong khi đó tại Việt Nam, nợ khối tư nhân hơn 100% GDP, nợ công chỉ khoảng 50% GDP. Con số này tại Mỹ lần lượt là 200% và hơn 100% GDP. Như vậy, nếu người Việt Nam đẩy tất cả khả năng vay mượn lên như người Mỹ, lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn rất nhiều, và giá trị tài sản lại tiếp tục tăng.

Đồng nghĩa với việc người Việt Nam có thể vay nhiều, cung tiền còn dồi dào và dư địa để giàu hơn sẽ lớn so với số liệu thống kê ở trên.

Hà Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên