Vì sao "Credit Suisse phá sản" trở thành tin đồn toàn cầu?
Thua lỗ liên tiếp, quản trị rủi ro thất bại và liên tục thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao là những thứ khiến nhà đầu tư lo ngại về ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ.
- 03-10-2022Chuyên gia: Credit Suisse 'có thể' lặp lại 'khoảnh khắc Lehman'
- 03-10-2022Nhà sáng lập 'ngân hàng siêu lừa' Celsius đã rút trót lọt 10 triệu USD ngay trước khi công ty xin phá sản
- 03-10-2022Dow Jones tăng 765 điểm, sắc xanh bao trùm chứng khoán Mỹ
Phiên giao dịch hôm qua (3/10), cổ phiếu và trái phiếu do Credit Suisse đã lao dốc mạnh vì nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng này.
Ngân hàng đến từ Thụy Sĩ cố gắng trấn an nhà đầu tư bằng cách khẳng định vẫn có nguồn vốn và thanh khoản dồi dào. Lãnh đạo ngân hàng cam kết sẽ tiết lộ nhiều chi tiết hơn về kế hoạch cải tổ khi công bố kết quả kinh doanh quý III vào ngày 27/10 tới.
Tại sao Credit Suisse lại trở thành tâm điểm chú ý của giới tài chính toàn cầu?
Thua lỗ liên tiếp, quản trị rủi ro thất bại và liên tục thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao là những thứ khiến nhà đầu tư lo ngại về ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ.
Sau khi lỗ hơn 5 tỷ USD từ vụ quỹ đầu tư Archegos sụp đổ tháng 3/2021, Credit Suisse đã phải tăng vốn, ngừng mua cổ phiếu quỹ, cắt giảm cổ tức và tăng cường quản trị rủi ro. Cùng quãng thời gian đó, ngân hàng này cũng vướng vào bê bối liên quan đến Greenshill.
Trước đó, vào năm 2020, scandal gián điệp buộc Tidjane Thiam phải rời khỏi ghế CEO. Người kế nhiệm Thomas Gottstein chỉ có thể yên vị đến tháng 7/2022, khi Credit Suisse thuê Ulrich Koerner – một chuyên gia về tái cấu trúc – làm CEO. Chỉ trong 1 năm, ngân hàng này đã có tới 2 lần thông báo xem xét lại chiến lược kinh doanh, quyết định tập trung vào mảng chính là quản lý tài sản và thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư.
Chủ tịch hiện tại của Credit Suisse, Axel Lehmann, nhậm chức từ tháng 1 năm nay. Người tiền nhiệm Antonio Horta-Osorio đã từ chức sau khi vi phạm quy định cách ly phòng dịch Covid-19. Ông mới chỉ nhậm chức chưa được 9 tháng.
Trước khi rời Credit Suisse năm ngoái, người tiền nhiệm của Horta-Osario là Urs Rohner thừa nhận ngân hàng đã khiến các khách hàng và cổ đông hết sức thất vọng. Và đó cũng không phải là lần đầu tiên.
Chỉ trong 3 quý gần nhất, Credit Suisse đã lỗ gần 4 tỷ franc (tương đương 4 tỷ USD). Chi phí đi vay mà Credit Suisse phải chịu tăng mạnh vì liên tục bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Giá CDS của Credit Suisse đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ đầu năm đến nay.
Credit Suisse có những lựa chọn nào?
Mới đây, ngân hàng cho biết mong muốn củng cố mảng quản lý tài sản. Mảng ngân hàng đầu tư sẽ được thu hẹp, hướng đến mô hình “ít vốn và thiên về tư vấn”. Credit Suisse đang xem xét các lựa chọn chiến lược cho mảng kinh doanh các sản phẩm chứng khoán hóa.
Giới phân tích ước tính Credit Suisse sẽ phải huy động 4-6 tỷ franc để có thể tái cấu trúc, hỗ trợ tăng trưởng và dự phòng rủi ro. Con số sẽ tùy thuộc vào mức độ thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư và số tiền huy động được từ việc bán tài sản.
“Bán tài sản sẽ giúp ích phần nào, nhưng 4 tỷ franc sẽ đến dưới dạng phát hành cổ phiếu với tỷ lệ pha loãng cao. Tin tốt là hiện kịch bản này đã được phản ánh phần nào trong giá cổ phiếu”, các chuyên gia của Keefe, Bruyette & Woods nhận định.
Huy động vốn trực tiếp từ một cổ đông lớn cũng là một sự lựa chọn.
Ở lựa chọn cuối cùng, Credit Suisse có thể tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ Thụy Sĩ.
Credit Suisse quan trọng đến đâu?
Kể từ khi ra đời năm 1856, Credit Suisse đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế Thụy Sĩ. Ngân hàng được thành lập bởi Alfred Escher, một doanh nhân kiêm chính trị gia, để tài trợ cho các dự án đường sắt cũng như hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa.
Thông qua một loạt vụ mua bán và sáp nhập, ngày nay Credit Suisse đã lớn mạnh thành ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ và là một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu.
Credit Suisse có hơn 50.000 nhân viên. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản mà ngân hàng này quản lý là 1.620 tỷ USD.
NHTW Thụy Sĩ đánh giá Credit Suisse là một trong những ngân hàng quan trọng bậc nhất, mà sự thất bại của nó có thể gây ra “những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Thụy Sĩ”.
Thị trường phản ứng như thế nào?
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Credit Suisse đã giảm hơn 55%. Trái phiếu niêm yết bằng đồng euro mà Credit Suisse phát hành chạm mức thấp kỷ lục trong phiên hôm qua.
Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse – công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng – tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản. Đầu năm nay chúng chỉ ở mức 57 điểm cơ bản. Nhà đầu tư đặt cược có 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới.
Nỗ lực trấn an nhân viên và nhà đầu tư của tân CEO Ulrich Koerner đã không thành công, thậm chí là phản tác dụng khi “Credit Suisse vỡ nợ” trở thành tin đồn toàn cầu. Phiên hôm qua, cổ phiếu tiếp tục bị bán tháo và giảm hơn 12%, đẩy giá trị vốn hóa của ngân hàng xuống dưới 10 tỷ USD. Thời điểm tháng 3/2021, con số là hơn 30 tỷ USD.
Giống với Deutsche Bank 6 năm trước?
Theo các chuyên gia phân tích tại KBW, những gì Credit Suisse đang trải qua giống với cuộc khủng hoảng niềm tin khiến Deutsche Bank AG chao đảo 6 năm trước. Khi đó ngân hàng Đức cũng bị hoài nghi về chiến lược kinh doanh, đồng thời bị giới chức Mỹ điều tra về các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Giá CDS do Deutsche Bank phát hành tăng vọt, trái phiếu bị hạ bậc xếp hạng và một số khách hàng ngừng hợp tác.
Vài tháng sau, áp lực lắng xuống sau khi Deutsche Bank giàn xếp được mức phạt thấp hơn dự báo và huy động được 7,8 tỷ USD vốn mới để tái cấu trúc. Tuy nhiên, phải mất vài năm ngân hàng này mới thoát được vòng luẩn quẩn giữa doanh thu sụt giảm và chi phí đi vay tăng cao.
Tuy nhiên có những điểm khác biệt giữa hai ngân hàng. Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank, và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.
Tham khảo Reuters
Nhịp sống thị trường