Vì sao cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị truy tố?
Ngày 23/3, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao cho biết, cơ quan này đã ra cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình (nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và đồng phạm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhiều bị can bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm…”
Các bị can cùng bị truy tố với ông Bình là Hà Tấn Phước (Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (Tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và ông Ngô Văn Thanh (thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
Theo cáo trạng, tháng 5/2005, ông Đặng Thanh Bình được Thủ tướng bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đến năm 2014 thì được nghỉ hưu. Trước khi giữ cương vị phó thống đốc, ông Bình làm vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Đặng Thanh Bình từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính từ năm 1994, đến năm 1997, ông này chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Từ năm 2002, ông Bình giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo của NHNN, tới tháng 7/2013 được giao kiêm nhiệm chủ tịch HĐTV Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện thì VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này, VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho nhóm Thiên Thanh đứng đầu là Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB. Các bị can Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh thuộc Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Cáo trạng xác định bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền thiệt hại 3.454 tỷ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại 6.591 tỷ đồng, Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan số tiền 10.046 tỷ đồng và bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan số tiền 3.454 tỷ đồng.
Các bị can khai gì với cơ quan điều tra?
Theo cáo trạng, thời gian làm tổ trưởng từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2014, ông Lê Văn Thanh nhận được văn bản của Phan Thành Mai (Phó TGĐ VNCB) đề nghị gửi tiền 1.706 tỷ đồng vào ngân hàng TPBank. Mặc dù ông Thanh khuyến cáo gửi vào ngân hàng khác nhưng VNCB vẫn gửi vào TPBank. Chỉ trong vòng 5 tháng làm tổ trưởng tổ giám sát, ông Lê Văn Thanh và tổ giám sát đã để Phạm Công Danh rút số tiền 9.226 tỷ đồng. Điều đáng nói với 2 khoản tiền 1.706 tỷ đồng gửi TPBank và 3.070 tỷ gửi BIDV tổ giám sát đồng ý cho gửi nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi để Phạm Công Danh sử dụng vay tiền dẫn đến gây thiệt hại 4.290 tỷ đồng cho VNCB.
Hồ sơ CQĐT còn thể hiện, bị can Hà Tấn Phước khai nhận sẽ chịu trách nhiệm chính với những gì đã xảy ra tại VNCB trong thời gian ông làm tổ trưởng. Trong khi đó, bị can Lê Văn Thanh thừa nhận do năng lực hạn chế, công việc phức tạp lại không hiểu hết được ý đồ và thủ đoạn của Phạm Công Danh nên đã không kịp thời phát hiện và xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đối với bị can Phạm Thế Tuân (tổ viên), được phân công giám sát đối với những giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên. Khi ông Tuân phát hiện ra sai phạm của VNCB, tổ giám sát có báo cáo NHNN nhưng việc báo cáo chưa kịp thời và kiến nghị chưa đầy đủ, chưa thực hiện hết thẩm quyền theo quy định.
Tổ giám sát chỉ có văn bản yêu cầu VNCB chấm dứt vi phạm để thu hồi các khoản tiền vi phạm nhưng không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn. Bị can Ngô Văn Thanh cũng được phân công giám sát các khoản vay trên 5 tỷ đồng nhưng do ngân hàng cố tình không báo cáo nên không giám sát được.
Khi các bị can thuộc tổ giám sát thừa nhận sai phạm do năng lực yếu kém thì Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc NHNN, lại chối bỏ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.
Theo hồ sơ vụ án, khi các bị can thuộc tổ giám sát thừa nhận sai phạm do năng lực yếu kém thì Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc NHNN, lại chối bỏ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.
Tiền phong