MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đám cháy nhỏ có thể nhấn chìm chung cư 600 dân trong biển lửa?

15-06-2017 - 09:42 AM | Tài chính quốc tế

Vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ tầng 2 nhanh chóng nhấn chìm tòa chung cư 24 tầng, nơi ở của 600 người, trong biển lửa bởi một năm trước, người ta làm đẹp nó bằng một lớp nhựa bọc xung quanh.

Tai họa chết người vì… đẹp

Được xây dựng năm 1974, tháp Grenfell là tòa chung cư 24 tầng với 120 căn hộ (thông tin ban đầu nói là 27 tầng). Trước vụ hỏa hoạn rạng sáng 14/6, tòa nhà là nơi sinh sống của 600 người. Tuy nhiên, ngọn lửa kinh hoàng, bắt nguồn từ tầng 2, đã biến công trình trở thành ngọn đuốc khổng lồ với ít nhất 12 trường hợp tử vong được ghi nhận. Cảnh sát lo ngại, số nạn nhân sẽ tiếp tục tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận tất cả các phòng bị cháy.

Sở dĩ, vụ cháy tháp Grenfell trở nên chết chóc đến vậy bắt nguồn từ một quyết định tháng 5/2016, khi người ta làm đẹp công trình bằng lớp phủ nhựa plastic. Đây là vật liệu rất bền, có thể chống chọi với các điều kiện thiên nhiên như mưa gió hay phơi nắng. Tuy nhiên, nhựa cũng là vật liệu dễ cháy và khiến ngọn lửa trở nên vô cùng khó kiểm soát.

Theo Daily Mail, thông số kĩ thuật lớp bọc bên ngoài tháp Grenfell bao gồm lớp cách nhiệt Celotex RS5000 dày 15 cm cùng 6 lớp phủ được làm từ vật liệu composite nhôm. Lớp này nằm cách tường bê tông của tòa nhà vài cm với nhiệm vụ che chắn cho công trình hơn 40 năm tuổi.

Cư dân của tòa tháp ở White City, phía tây London không thể ngờ các hoạt động nâng cấp ngốn tới gần 13 triệu USD lại khiến tòa nhà của họ trở nên mất an toàn và đẩy nhiều người vào chỗ chết. Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc nửa đêm, khi mọi người đang ngon giấc khiến nó càng trở nên nguy hiểm. Thêm vào đó, các nhân chứng cho biết không có bất cứ tiếng chuông báo cháy nào vang lên trong đêm định mệnh.


Tháp Grenfell trước và sau khi được làm đẹp. Ảnh: PA

Tháp Grenfell trước và sau khi được làm đẹp. Ảnh: PA

Khi ngọn lửa bùng lên từ tầng 2 của công trình, nó nhanh chóng lan lên các tầng phía trên và bao trùm gần như toàn bộ tòa nhà, biến Grenfell trở thành ngọn đuốc khổ lồ giữa lòng thủ đô London. Lớp cách nhiệt khiến lửa lan nhanh trong khi những tấm kim loại bị nung nóng lao từ trên cao xuống đe dọa tính mạng của lính cứu hỏa và người dân sống quanh khu vực. Dù sở cứu hỏa London đã huy động toàn bộ lực lượng nhưng ngọn lửa chỉ có thể được kiểm soát khi nó thiêu rụi gần như mọi thứ.

Việc làm đẹp các tòa nhà bằng nhựa là điều tối kỵ với phòng cháy chữa cháy. Các chuyên gia cứu hỏa Anh đã nhiều lần cảnh báo nhà chức trách về vấn đề này nhưng những tòa nhà như Grenfell vẫn ngang nhiên tồn tại. Chính việc phớt lờ các quy định về phòng cháy chữa cháy đẩy nhiều công trình tới sát mép vực thảm họa.

Một nghiên cứu của kiến trúc sư Sam Webb cũng khẳng định điều này. Trong bài phỏng vấn với Guardian, Webb nhấn mạnh: “Chúng tôi phát hiện ra nhiều công trình vi phạm các quy định về an toàn nhưng không thể đóng cửa chúng bởi có quá nhiều sẽ trở nên vô gia cư”.

Những câu chuyện ám ảnh

Các nhân chứng sống sót trong vụ hỏa hoạn cho biết, chuông báo cháy không kêu dù tòa nhà bị lửa bao trùm. Hệ thống vòi phun cứu hỏa của công trình cũng không hoạt động và cầu thang thoát hiểm duy nhất bị chặn trong đêm hỏa hoạn xảy ra.

Hơn một ngày sau vụ cháy, lính cứu hỏa đã bắt đầu tiếp cận được những tầng nhà dù một số nơi, lửa vẫn đang âm ỉ. Ít nhất 12 thi thể đã được tìm thấy nhưng người ta lo ngại, số người chết có thể lên tới 100 người. Hiện tại, cảnh sát vẫn chưa xác định được có bao nhiều người mất tích trong vụ cháy kinh hoàng nhất nhiều thập niên qua.


Tháp Grenfell chìm trong biển lửa. Ảnh: Daily Mail

Tháp Grenfell chìm trong biển lửa. Ảnh: Daily Mail

Theo lời kể của những người trực tiếp tiến vào hiện trường, họ tìm thấy thi thể nạn nhân nằm rải rác khắp công trình, trong đó có nhiều người chết ở hành lang. Nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân có thể kéo dài nhiều ngày trước khi tòa nhà được xử lý để đảm bảo an toàn cho những người sống xung quanh. Hiện tại, nó đang xiêu vẹo vì bị ngọn lửa tàn phá.

Khi ngọn lửa bao trùm ngôi nhà, người ta nhìn thấy những người tuyệt vọng cầu cứu từ những tầng phía trên của ngôi nhà. Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ gần như không phát huy hiệu quả. Một quan chức giấu tên tin rằng không ai trên 3 tầng cao nhất của tòa nhà có thể sống sót sau khi công trình bị thiêu rụi suốt hơn 1 ngày qua.

Một nhân chứng cũng kể lại vụ việc một người mẹ ném con từ tầng 9 hoặc 10 của tòa nhà xuống phía những người đang cố gắng đỡ ở dưới. Rất may, một người đàn ông đã đỡ được đứa trẻ. Tuy nhiên, số phận người mẹ vẫn chưa được xác định. Cũng theo lời kể của nhân chứng, tiếng gào khóc kêu cứu xuất hiện ở gần như mọi tầng của ngôi nhà đang bị lửa bao trùm. Nhiều trẻ em cũng nằm trong số những người mắc kẹt.

Hiện trường vụ cháy cao ốc 27 tầng ở London

Linh Anh

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên