MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đằng sau các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đều là những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn?

16-06-2017 - 08:19 AM | Doanh nghiệp

Sovico Holdings có Vietjet Air, Thiên Minh Group có thủy phi cơ Hải Âu và sắp tới là Air Asia, FLC có kế hoạch với hãng bay mang tên Bamboo Airways. Tất cả đều là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.

Tháng 5/2017, HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC đã quyết định thành lập một hãng hàng không có tên Bamboo Airways. Theo thông tin ban đầu từ ông Trịnh Văn Quyết, hãng hàng không này có đội bay khoảng 7 chiếc vào năm 2018 và chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào đầu năm 2018.

Sự có mặt của Bamboo Airways và một tân binh khác là Vietstat Airines (nếu như thực hiện được) sẽ giúp cho thị trường hàng không Việt thêm sôi động cùng với Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Hải Âu.

Đồng thời, Bamboo Airlines xuất hiện đã một lần nữa cho thấy, những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư vào lĩnh vực hàng không cũng đều hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.

Từ Vietjet Air, Thiên Minh, BIM Group, Saigontourist đến FLC

Hãng hàng không tư nhân chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là Vietjet Air được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HD Bank), CTCP Sovico, CTCP Đầu tư Bắc Hà cùng các cá nhân là ông Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Thanh Hùng và bà Nguyễn Thanh Hà.

Sovico Holdings - Tập đoàn của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - là một cái tên nổi tiếng trên thị trường bất động sản với những dự án hàng trăm triệu USD tại TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

Có thể kể đến một số dự án như Dragon Riverside City với quy hoạch gồm khách sạn 5 sao, văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại và 1.060 căn hộ cao cấp. Tại Đà Nẵng, Sovico Holding sở hữu Furama resort Đà Nẵng - một trong những khu resort 5 sao đầu tiên của Việt Nam và có tiếng trên cả thế giới. Sovico cũng sở hữu dự án Furama Villas gồm một khu resort 5 sao, 134 căn biệt thự cao cấp được xây dựng trên khu đất ven biển rộng 11 ha dọc theo bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng…

Về phần hãng hàng không Hải Âu, Tập đoàn đứng sau là Tập đoàn Thiên Minh (TMG) do ông Trần Trọng Kiên làm Chủ tịch HĐQT. Thiên Minh khởi nguồn từ lĩnh vực du lịch với công ty du lịch Buffalo Tours. Vào năm 2011 đã mua lại hệ thống khách sạn và resort 4- 5 sao mang thương hiệu Victoria tọa lạc tại những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và Campuchia như Sapa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ, Châu Đốc và Angkor Wat … Sau đó, Thiên Minh phát triển thêm một thương hiệu khách sạn nữa là ÊMM.

Đến nay, TMG có 11 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ lữ hành và khách sạn tại châu Á.

Còn FLC, Tập đoàn bất động sản này đã và đang quảng cáo rầm rộ các dự án nghỉ dưỡng 5 sao mang tên FLC Samson Beach & Golf Resort, FLC Luxury Resort Samson, FLC Vĩnh Thịnh Resort, FLC Quy Nhơn…

Ngoài ra, có thể kể đến việc tập đoàn BIM Group đầu tư vào Air Mekong trước đây và Saigontourist đầu tư vào Jetstar. BIM Group có xuất phát điểm nổi bật là khách sạn Hạ Long Plaza, hoạt động trên các lĩnh vực như phát triển và quản lý bất động sản, dịch vụ trong ngành du lịch. Khi đầu tư vào Air Mekong, hãng này nhắm tới các điểm đến địa phương như Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Quy Nhơn, Pleiku… Chiến lược này được đánh giá là phù hợp với tiêu chí kết nối các điểm đến du lịch và tránh sự cạnh tranh trực tiếp với ông lớn Vietnam Airlines.

Khó nhằn nhưng vẫn đầu tư

Nhìn con số doanh thu và lợi nhuận của Vietjet Air kể cả khi đã loại trừ hoạt động bán máy bay thì vẫn đủ khiến người ta thấy hấp dẫn. Nhưng hàng không không phải là lĩnh vực dễ ăn. Khi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và rủi ro tỷ giá cũng như rủi ro giá nhiên liệu luôn thường trực, nhiều hãng hàng không tư nhân đã xuất hiện ở Việt Nam rồi nhanh chóng biến mất vì không thể cầm cự nổi. Nổi tiếng nhất là hãng Sếu đầu đỏ Air Mekong đã phải ngừng bay khi thu không đủ bù chi.

Vậy tại sao các doanh nghiệp trên vẫn đầu tư vào hàng không, thậm chí sau thủy phi cơ Hải Âu (mới có lãi từ tháng 1/2017), Thiên Minh còn bắt tay cùng Air Asia để chuẩn bị đưa hãng hàng không giá rẻ này vào Việt Nam?

Tiềm năng thị trường logistics rất lớn là một lý do. Nhưng có thể thấy trước mắt, cái lợi từ việc sở hữu một hãng bay đối với các doanh nghiệp trên là tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch của chính họ.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch của FLC từng cho biết: “Đội bay này nhằm phục vụ các khu nghỉ dưỡng của FLC tại 9 tỉnh thành ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ kết nối với các chuyến bay quốc tế để đưa khách du lịch đến các khu nghỉ dưỡng này”.

Điều đó có nghĩa là hãng hàng không của ông Quyết nhằm mục đích đưa khách du lịch đến các khu nghỉ dưỡng của FLC.

Có quy mô lớn hơn rất nhiều, ý tưởng thành lập hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air đã được bà Phương Thảo thai nghén từ lâu, với mục đích xây dựng một công ty hàng không chứ không chỉ gói gọn ở việc đưa khách đến resort của Sovico. Dù vậy, không thể phủ nhận việc Vietjet Air ra đời đã tạo điều kiện và tạo nhu cầu cho hàng triệu người đi máy bay, kích thích du lịch và có thể đem lại khách hàng cho các khu nghỉ dưỡng của Sovico.

Hải Âu là một câu chuyện khác khi hãng này sử dụng thủy phi cơ – một loại máy bay chuyên biệt với mục đích đem đến trải nghiệm độc đáo cho khách: du lịch bằng thủy phi cơ. Điều đó phù hợp với tiêu chí của Thiên Minh là cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói và mỗi dịch vụ lại là một trải nghiệm “đáng nhớ” trong đời đối với khách hàng.

Một lý do khác cho việc đầu tư vào hàng không, có lẽ là tự tin vào năng lực tài chính và quản lý, nên dù khó nhằn nhưng ông chủ của các khách sạn, resort nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam đều muốn có một hãng hàng không.

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch của Thiên Minh cho biết, hàng không khác biệt với các loại hình kinh doanh khác ở chỗ không cần tự xây dựng tiêu chuẩn, vì các tiêu chuẩn về an toàn, bảo dưỡng, vận hành …được quy định chung, đã áp dụng hàng trăm năm nay và được điều tiết rất tốt trên toàn thế giới. Vì thế sự khác biệt giữa các hãng hàng không với nhau chẳng qua chỉ là việc thực thi các tiêu chuẩn đó.

Sự khác biệt đó được tạo nên bằng cách xây dựng văn hóa dịch vụ khác biệt và có phương pháp quản lý hệ thống hiệu quả để đảm bảo việc đưa ra giá cho người tiêu dùng hợp lý nhất.

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, nút thắt lớn nhất cho việc phát triển du lịch cũng như ngành hàng không là hạ tầng sân bay và nút thắt này đang được Chính phủ tính toán các phương án để cởi bỏ. Nhưng bên cạnh đó, các sân bay địa phương như Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ... đều chưa khai thác hết công suất, đó là cơ hội của các đại gia hàng không và du lịch, khách sạn tại địa phương này.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên