Vì sao đất dự án bỏ hoang tại Hà Nội khó thu hồi
Ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội cho rằng quy định pháp luật hiện nay đối với dự án bỏ hoang chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến việc thu hồi đất dự án dạng này gặp khó.
Siêu dự án cũng nằm im
Ghi nhận của PV Tiền Phong, trên địa bàn quận Hà Đông, có rất nhiều khu đất trống bỏ không cả chục năm nhưng vẫn chưa có tín hiệu khởi động. Đơn cử như trên địa bàn phường Mộ Lao, có cả chục lô đất như vậy. Tại khu đất gồm 3 lô của Cty TSQ Việt Nam trên địa bàn phường Mộ Lao, quận Hà Đông, bao quanh là những căn liền kề khang trang. Một trong số 3 lô đất này hiện là nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường. Một lô đất khác được tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện ngày đêm.
Ông Phượng (người dân Mộ Lao) sinh sống ở khu vực này cho biết, thường có nhiều đối tượng nghiện ngập ra vào những khu đất bị bỏ hoang nói trên, gây mất an ninh trật tự. “Với bãi đỗ xe tự phát tại đây, nhiều ô tô đi ra vào thường phi lên vỉa hè rất nhanh, nguy hiểm cho người dân đi bộ ”, ông Phượng bức xúc.
Gần khu đất của Cty TSQ Việt Nam là 4 lô đất của “siêu dự án” tổ hợp chung cư Booyoung Vina rộng hàng chục nghìn mét vuông. Dự án được khởi công lần đầu vào tháng 2/2007 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010 nhưng không thực hiện được. Tháng 7/2011, dự án được tái khởi công rầm rộ, thế nhưng sau đó tiếp tục rơi vào tình trạng bất động.
Gần trụ sở UBND quận Hà Đông là khu “đất vàng” thuộc phường Hà Cầu cũng tồn tại 3 lô đất rộng hàng nghìn mét vuông bỏ hoang hơn chục năm. Đây là những lô đất từ năm 2008 được dự kiến sử dụng làm trụ sở Bảo Việt Hà Tây, BIDV Hà Tây và Bưu điện Hà Tây. Người dân sinh sống cạnh đây cho biết, những lô đất này từng được sử dụng làm bãi trông xe, rửa xe, nay mới được quây rào kín lại.
Do quy hoạch, chủ đầu tư…
Tất cả các dự án bỏ hoang trên đều có điểm chung là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính. Dựa vào việc điều chỉnh này, chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục tiếp theo khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
“Quận đang có văn bản đề nghị 2 đơn vị nếu còn nhu cầu xây dựng trụ sở thì báo cáo, nếu không để thành phố thu hồi theo quy định, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả”, đại diện quận Hà Đông nói về đất dự án dành cho xây trụ sở BIDV Hà Tây và Bảo Việt Hà Tây trước đây
UBND phường Mộ Lao cho biết, bãi xe phóng viên phản ánh là bãi trông giữ ô tô cho cán bộ công nhân viên Cty TSQ Việt Nam. Khu đất dự án TSQ ký hiệu TH-3 được thành phố giao Cty TSQ Việt Nam quản lý sử dụng, diện tích 15.236m2. UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị (KĐT) mới Mỗ Lao tỷ lệ 1/500 từ năm 2006. Đến 2/7/2015 UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết KĐT mới Mỗ Lao, diện tích giảm từ 15.236m2 xuống còn 14.986m2 để xây dựng trường phổ thông liên cấp.
Tương tự đối với dự án Booyoung Vina chậm trễ triển khai cũng do điều chỉnh quy hoạch dự án. Thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục giãn tiến độ thực hiện… khiến dự án bị chậm so với mục tiêu ban đầu.
Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, 2 dự án trụ sở Bảo Việt Hà Tây và BIDV Hà Tây cũng chậm triển khai là do việc sáp nhập Hà Tây với Hà Nội. Trước đây, những khu này được dự kiến xây dựng trụ sở (cấp tỉnh) cho tỉnh Hà Tây nhưng sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì nhu cầu sử dụng thay đổi.
2 dự án này vẫn chưa được giao đất, nên chưa đưa vào danh sách dự án chậm triển khai. “Quận đang có văn bản đề nghị 2 đơn vị nếu còn nhu cầu xây dựng trụ sở thì báo cáo, nếu không để thành phố thu hồi theo quy định, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả”, đại diện quận Hà Đông thông tin.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT) cho biết, các dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng đều phải điều chỉnh theo.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư... Ví dụ như khi thị trường hết “nóng” thì không ai đổ tiền vào, dự án không triển khai được. Chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian, xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ đấy. Có chủ đầu tư chờ hết thời hạn rồi chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, sau đó dự án lại tiếp tục nằm im. “Quy định cho chủ đầu tư 24 tháng để thanh lý tài sản trên đất hoặc bán cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cái khó ở đây là luật không hướng dẫn có được triển khai tiếp không hay lập dự án mới”, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay.
Về việc thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở KH&ĐT đã thu hồi 33 dự án. Trong đó có các dự án kéo dài gây bức xúc nhiều năm như: Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô, dự án văn phòng làm viêc tại số 6 Đào Duy Anh…
Trong khi đó, Sở TN&MT Hà Nội đã thanh, kiểm tra 379 dự án, trong đó 28 dự án với 1.844 ha đất đã được cơ quan chức năng kiến nghị UBND thành phố thu hồi.
Tiền phong